Hiện Quảng Ngãi đang bước vào mùa mưa cũng là mùa rắn lục đuôi đỏ sinh sản nên số trường hợp nhập viện vì loài rắn này cắn ngày càng nhiều. Phần lớn các trường hợp đều ở các vùng nông thôn, miền núi - nơi có nhiều cây cối rậm rạp.
Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, mỗi tuần cũng có khoảng 3 - 5 trường hợp bệnh nhi được điều trị nội trú vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Ở Quảng Ngãi, dòng rắn lục đuôi đỏ hay xuất hiện vào mùa mưa lạnh. Và khi bị rắn này cắn thì chỉ có thể điều trị bằng huyết thanh.
Rắn lục đuôi đỏ là loài có nọc độc cực mạnh, khi bị rắn cắn nạn nhân thường có các hiện tượng rối loạn đông máu, phù nề, hoại tử hay trụy tim mạch, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Trần Đình Điệp - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo, khi bị rắn cắn cần buộc garo, băng ép chặt phía trên vết thương từ 5 - 10cm để ngăn chất độc lan ngược lại các bộ phận khác, rửa vết thương bằng nước sạch, sau đó, vận chuyển nhanh nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để truyền huyết thanh kháng nọc rắn, tốt nhất trong 4 giờ đầu sau khi rắn cắn. Sau khi được sơ cứu đúng cách và truyền huyết thanh vài ngày, bệnh nhân có thể giảm các triệu chứng lâm sàng.
Theo nghiên cứu, mức độ độc của rắn lục đuôi đỏ chỉ đứng sau loài rắn hổ mang chúa. Đặc biệt, khi mang bầu, rắn mẹ có nọc độc cao hơn bình thường. Trong nọc rắn có hơn 20 thành phần khác nhau, hơn nữa, vết cắn của loài rắn này thường bị chảy máu nhiều và sưng rất nhanh. Do đó, người dân cần đề cao cảnh giác, tránh bị rắn cắn gây nguy hại đến sức khỏe cũng như tính mạng của bản thân và gia đình.