Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Vì sao hai ca mắc COVID-19 ở Đà Nẵng diễn biến xấu rất nhanh?

Cập nhật: 27/07/2020 18:49 | Trần Thị Mai

Sáng ngày 26/7, Bộ Y tế công bố ca bệnh COVID-19 thứ 2 tại Đà Nẵng. Nhưng khác với những ca bệnh trong giai đoạn 1 của đại dịch, bệnh nhân số 418 ngay lập tức phải thở máy vì tình trạng quá nặng.

Vì sao hai ca mắc COVID-19 ở Đà Nẵng diễn biến xấu rất nhanh?

Cũng trong tình trạng thở máy, bệnh nhân 416- người đàn ông ở Đà Nẵng đã phải chuyển từ thở máy sang thở ECMO trong đêm 25/7. Đáng chú ý cả 2 bệnh nhân đều ho, sốt, mệt mỏi vài ngày trước khi xác định chính xác mắc COVID-19.

Bệnh nhân 416 được chuyển từ Bệnh viện C Đà Nẵng sang Bệnh viện Đà Nẵng sáng ngày 24/7 với chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp do nhiễm SARS-CoV 2 (COVID-19), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn. Sau một ngày phải thở máy, bệnh nhân diễn biến tăng nặng rất nhanh, phải chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo).

Chuyên gia thuộc Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19) cho biết, bệnh nhân 416 được sử dụng thuốc an thần, giãn cơ để nằm yên, tránh trường hợp bệnh nhân co giật, giãy giụa làm ảnh hưởng đến hệ thống máy móc duy trì chỉ số sinh tồn của cơ thể. Hiện bệnh nhân sốt cao liên tục 38-39 độ C. Ngoài ECMO, bệnh nhân phải lọc máu liên tục, thở máy hỗ trợ. Chuyên gia này cho biết thêm, các chỉ số và chức năng của bệnh nhân trong phạm vi kiểm soát, tuy nhiên tiên lượng rất nặng.

Bệnh nhân 418, được điều trị tại Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng từ 21/7 với chẩn đoán theo dõi lao phổi bội nhiễm trên nền bệnh đái tháo đường type2, tăng huyết áp. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực chống độc cuối giờ chiều 23/7. Tới 2h30 ngày 26/7, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Y học nhiệt đới cùng bệnh viện.

Bệnh nhân hiện gặp biến chứng suy hô hấp, suy tim, tổn thương thận cấp, hiện nằm yên dưới tác dụng an thần, giãn cơ, sốt nhẹ, có thở máy hỗ trợ.

Theo Tiểu ban Điều trị, cả hai bệnh nhân diễn biến nặng rất nhanh, suy hô hấp phải hỗ trợ thở.

Tổ chức Y tế thế giới cho biết, COVID-19 thường có nguy cơ diễn biến nặng hơn nếu gặp ở bệnh nhân lớn tuổi (trên 60 tuổi) hoặc những người có vấn đề sức khoẻ, mắc các bệnh mãn tính không lây (cao huyết áp, tim mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính hay đái tháo đường, ung thư...) hoặc các bệnh gây ảnh hưởng hệ miễn dịch.

Ở hai bệnh nhân này đều có các yếu tố nguy cơ diễn biến nặng nhanh. Bệnh nhân 416 có tiền sử u nang trung thất, đã phẫu thuật cách đây hai năm.

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều 24/7, liên quan đến ca này, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân viêm phổi cấp tính, có dấu hiệu rất nặng, diễn biến rất nhanh.

Bệnh nhân 416 là ca bệnh thứ 3 tại Việt Nam phải dùng ECMO. Trước đó là bệnh nhân 19 (Hà Nội) và bệnh nhân 91 – nam phi công người Anh. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa ca bệnh 416 với 2 bệnh nhân thở ECMO là chỉ sau vài ngày nhập viện bệnh nhân đã phải nhờ tới ECMO để duy trì sự sống.

Cao đẳng Dược TPHCM sưu tầm và tổng hợp