Đó là câu chuyện của 2 chị em Nguyễn Ngọc Anh (7 tuổi), Nguyễn Minh Huy (6 tuổi) ở Thái Bình khiến nhiều người phải cảnh tỉnh.
Được cấp cứu tại BV Nhi TƯ, các bệnh nhi được cấp cứu, điều trị triệu chứng và làm các xét nghiệm độc chất để chẩn đoán và điều trị các biến chứng. Sau 2 ngày hai bé được các bác sĩ tích cực chăm sóc, hiện sức khỏe của 2 bệnh nhi đã ổn định và có thể ra viện.
Theo lời kể của gia đình được biết, chiều 15/8 bố mẹ đi vắng để hai chị em cháu Nguyễn Ngọc Anh, (7 tuổi) và Nguyễn Minh Huy (6 tuổi, ở Thái Bình) tự chơi với nhau ở nhà. Trong lúc chơi đùa, cháu Nguyễn Ngọc Anh đã trèo lên mái bếp và thấy có 2 ống bằng thỏi bút bi màu hồng. Cứ nghĩ là kẹo, hai chị em chia nhau mỗi người 1 tuýp và uống mà không biết đó là thuốc chuột.
Khoảng 30 phút sau khi bố mẹ hai bé về nhà thì thấy 2 chị em nằm trên giường trong trạng thái li bì, có một bãi nôn trớ to giữa nhà, có biểu hiện ngộ độc, mê man. Cha mẹ đi kiểm tra gác bếp thấy 2 tuýp thuốc diệt chuột đã biến mất, biết là con mình ngộ độc thuốc diệt chuột nên bố mẹ vội đưa 2 trẻ vào viện cấp cứu.
Hai bé sau khi ngộ độc đang được theo dõi tại viện
TS Lê Ngọc Duy - Phụ trách Trung tâm Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tai nạn ngộ độc thường hay xảy ra ở trẻ em dưới 6 tuổi. Vì ở độ tuổi này trẻ đang thích sự tò mò và khám phá thế giới xung quanh. Trẻ có thể ăn uống bất cứ thứ gì cho dù mùi vị ra sao, nhất là những gì nhìn thấy hấp dẫn hay mang màu sắc giống kẹo ngọt ở khắp nơi trong gia đình.
Vì vậy với tất cả các loại hóa chất cha mẹ cần cất cẩn thận, khóa các ngăn, hộc trong gia đình để xa tầm tay trẻ em, không để trẻ nhìn thấy.
Do tính nguy hiểm của loại hóa chất này nên nó đã bị cấm lưu hành ở nước ta khoảng hơn 10 năm. Tuy nhiên trong khoảng 2 năm trở lại đây Trung tâm chống độc lại gặp trở lại các bệnh nhân ngộ độc natri fluoroacetat nặng và tử vong từ các loại thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường. Trung tâm đã từng thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và các cơ quan chức năng biết nhưng vẫn xảy ra những trường hợp đáng tiếc không kịp cấp cứu trẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ uống nhầm axit, xăng dầu hoặc là chất tẩy rửa, cha mẹ khi sơ cứu không được gây nôn cho trẻ. Cha mẹ thường nghĩ rằng cần phải cho trẻ nôn ra hết để hết độc, nhưng đây là quan niệm sai lầm vì nếu cố gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản.
Sau khi dùng xong các hóa chất cha mẹ cần để vào đúng đồ vật chứa đựng ban đầu của chúng. Không dùng các dụng cụ chứa đựng thức ăn, đồ uống để chứa đựng hóa chất để trẻ tránh nhầm lẫn.
BS tại BV Nhi TƯ cũng cho biết đã tiếp nhận không ít các trường hợp ngộ độc thuốc chữa bệnh, do đó với các loại thuốc, cha mẹ cũng cần để xa tầm tay trẻ cất thuốc trong các hộp chứa/tủ chứa có khoá ăn toàn để tránh những tai nạn thương tâm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.