Bác sĩ Vũ Hồng Chiến, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 13/12 thông tin bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu, hoại tử tím đen kèm nhiễm trùng da vùng sống mũi và một phần trán. Kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não và chụp mạch máu não, khám mắt, thần kinh, phát hiện các biến chứng nguy hiểm có thể gặp như: tắc mạch não, tắc động mạch võng mạc... Sau hai tuần điều trị bằng thuốc chống nhiễm trùng, giảm viêm, dự phòng tắc mạch, sức khỏe bệnh nhân có chuyển biến tích cực.
Bác sĩ Phạm Thị Việt Dung, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, cho biết tiêm filler (chất làm đầy) là kỹ thuật làm đẹp phổ biến hiện nay. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn, song có thể dẫn đến biến chứng do thực hiện không đảm bảo kỹ thuật, chất lượng filler kém.
Trước khi lựa chọn can thiệp bất cứ thủ thuật, phẫu thuật nào trên cơ thể, bác sĩ khuyên bạn nên tìm hiểu kỹ xem có thực sự phù hợp và cần thiết với mình không. Lựa chọn những cơ sở chuyên khoa được cấp phép, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, loại filler đảm bảo chất lượng đã được cấp phép.
Bệnh nhân tiêm filler có biến chứng sớm tắc mạch như mất thị lực, đột quỵ, yếu nửa người, hoại tử, nhiễm trùng vùng tiêm, thường liên quan đến kỹ thuật tiêm, cần xử trí cấp cứu ở cơ sở y tế. Biểu hiện biến chứng muộn như nhiễm trùng, viêm loét, vón cục... liên quan kỹ thuật tiêm hoặc filler không đảm bảo chất lượng, không được cấp phép, lan tỏa trong mô mềm vùng tiêm. Việc điều trị các biến chứng muộn thường mất nhiều thời gian, để lại nhiều di chứng cả về mặt chức năng và thẩm mỹ.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và tổng hợp