Người bệnh là chị L. T. P., 46 tuổi, trú tại Đồng Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ, chị được phát hiện mắc bệnh tim mạch 10 năm nay.Người bệnh có chỉ định phẫu thuật nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không phẫu thuật, chỉ dùng thuốc điều trị.
Trong khoảng thời gian gần đây, người bệnh thấy khó thở, đau tức ngực nhiều mới đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ điều trị.
Tại đây, người bệnh được chẩn đoán suy tim rung nhĩ, hẹp khít van hai lá, hẹp khít van động mạch chủ, hở van ba lá nhiều. Người bệnh được chỉ định mổ thay van hai lá, van động mạch chủ, sửa van ba lá. Sau hơn 1 tuần phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân P. đã ổn định, các chỉ số dần trở về bình thường, người bệnh chuẩn bị được xuất viện.
Bác sĩ Trương Văn Hải (Đơn vị Phẫu thuật tim mạch - Lồng ngực - Trung tâm Tim mạch) cho biết: "Do tình trạng bệnh của người bệnh trước mổ nặng nên quá trình hồi sức sau mổ khó khăn, kéo dài, chi phí điều trị tăng cao. Hoàn cảnh gia đình người bệnh khó khăn nên các cán bộ của Đơn vị đã quyên góp, ủng hộ cho người bệnh, đồng thời phối hợp với ban truyền thông của Bệnh viện kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ một phần chi phí cho người bệnh."
Bác sĩ Hải cũng cho biết thêm, bệnh lý van tim là bệnh lý khá phổ biến ở Việt nam, thường là hậu quả của bệnh thấp tim. Các van tim có vai trò như các cửa 1 chiều ngăn các buồng tim và các mạch máu lớn. Khi hệ thống cửa này bị hỏng, đặc biệt trong những trường hợp hỏng nặng, nếu không được điều trị, chúng sẽ dẫn đến giãn, phì đại các buồng tim, suy tim nặng.
Phẫu thuật thay hoặc sửa van tim là phương pháp tối ưu điều trị cho các bệnh nhân này. Rất nhiều người bệnh đã trở lại cuộc sống bình thường sau phẫu thuật thay van tim.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và tổng hợp