Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Sẽ miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến

Cập nhật: 15/10/2019 15:10 | Nhâm PT

Theo thông tin từ Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp tới sẽ phê chuẩn miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Y tế với bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Đồng thời cũng miễn nhiệm chức vụ Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội đối với ông Nguyễn Khắc Định do ông này được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Sẽ miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến

Thông tin tại buổi giao ban báo chí sáng 15.10 về kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 21.10 tới đây.

Tại kỳ họp này, thời lượng dành để chất vấn thành viên Chính phủ sẽ tăng từ 2,5 ngày lên 3 ngày chất vấn. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp này là kỳ họp cuối năm nên Thủ tướng sẽ đăng đàn để trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Kỳ họp này, Quốc hội cũng dành thời gian cho công tác nhân sự.

Đáng lưu ý, kỳ họp thứ 8 này có nội dung liên quan đến 2 vị trí nhân sự được miễn nhiệm. Cụ thể, đối với Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, vừa rồi Bộ Chính trị đã có quyết định phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ miễn nhiệm thôi chức Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với ông Định, và thôi không làm Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật.

Nhân sự thứ hai là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, vừa qua Bộ Chính trị có quyết định giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Y tế. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ được miễn nhiệm thôi làm Bộ trưởng Y tế.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho hay Quốc hội sẽ phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vào kỳ họp thứ 8 khai mạc tuần sau.

Trước đó, sáng ngày (14.10), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với tập thể Ban Cán sự đảng Bộ Y tế về thi hành Quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế.

Về nhân sự thay thế bà Tiến trong vai trò Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết là Thủ tướng sẽ có tờ trình nhân sự để Quốc hội phê chuẩn.

"Hai đồng chí này ở hai chủ thể quản lý khác nhau nên cách làm khác nhau. Ông Định sẽ thôi nhiệm vụ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội làm quy trình để bầu một đồng chí mới vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời sẽ bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Thường vụ Quốc hội đang tiến hành công tác nhân sự này.  Bộ trưởng Y tế thì do Thủ tướng trình nhân sự, Quốc hội phê chuẩn", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Ngoài ra, tại buổi giao ban báo chí, về thông tin Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định sẽ được phân nhận trọng trách mới, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Đối với Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Bộ Chính trị có quyết định phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa. Quốc hội sẽ miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình nhân sự mới để bầu người thay ông Định.

Hồi tháng 9, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang có đơn xin thôi nhiệm vụ với lý do "bị bệnh, sức khỏe yếu, cần có thời gian nghỉ ngơi, điều trị". Hôm nay, một lãnh đạo Tỉnh ủy Khánh Hòa thông tin, đơn xin nghỉ trước một năm của ông Quang đã được Ban thường vụ Tỉnh ủy và các cơ quan Trung ương đồng ý.

Ông Nguyễn Khắc Định (55 tuổi, quê Thái Bình) là tiến sĩ luật; Uỷ viên Trung ương khoá XII. Ông từng làm trợ lý Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật từ 2016.

Nguyễn Thị Kim Tiến (60 tuổi, quê Hà Tĩnh) có chuyên môn Phó giáo sư, tiến sĩ Y khoa; ủy viên Trung ương Đảng khóa X (dự khuyết), khóa XI; là Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Y tế từ năm 2011.

Bà Tiến không trúng cử Trung ương khoá XII và là nữ Bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ hiện nay.

Nguồn: Lao động

Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp