Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Sinh viên có nên đi làm thêm hay không?

Cập nhật: 08/11/2018 11:36 | Nhâm PT

Với những chật vật về tài chính trong cuộc sống sinh viên chắc hẳn ai cũng muốn tự mình làm ra tiền vào thời gian rảnh rỗi. Vậy thực sự làm thêm giúp ích được gì cho bạn?

Sinh viên có nên đi làm thêm hay không?

Lên Đại học, ngoài tiền học phí, các bạn sinh viên còn phải chi trả rất nhiều các khoản tiền khác như tiền nhà trọ, điện, nước, ăn uống… Với các gia đình không phải là khá giả thì có được số tiền đó không phải là một việc dễ dàng. Do đó, nhiều bạn sinh viên thường đi tìm việc làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống, đỡ đần bố mẹ. Vậy liệu sinh viên có nên đi làm thêm?

Lợi ích khi sinh viên đi làm thêm

  • Làm thêm để có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt

Đây là lợi ích đầu tiên và cũng là mục đích chính mà đa số các bạn đi làm thêm hướng đến. Bạn sẽ có được một khoản tài chính nho nhỏ hàng tháng phục vụ các nhu cầu cá nhân như mua đồ, đi chơi, ăn uống… và đỡ cho bố mẹ phần nào tiền chu cấp cho bạn. Bạn cũng sẽ độc lập hơn và không còn phụ thuộc vào gia đình quá nhiều.

Lợi ích của làm thêm

Làm thêm giúp sinh viên kiếm thêm một khoản thu nhập nho nhỏ

  • Tích lũy kinh nghiệm làm việc

Trường học khác với trường đời rất nhiều. Đi làm thêm giúp bạn có những trải nghiệm ở ngoài “trường đời”, đối mặt với những khó khăn, thử thách trong công việc cũng như cuộc sống. Qua đó tích lũy cho mình những kinh nghiệm, kỹ năng sống quý giá. Đây là hành trang quan trọng cho bạn để sau khi tốt nghiệp có thể bước ra cuộc sống một cách vững vàng.

Có nhiều việc làm thêm cho sinh viên. Mỗi việc sẽ dạy cho bạn những kỹ năng mềm khác nhau. Đây đều là những kỹ năng cần thiết đối với cuộc sống thường ngày và giúp ích rất nhiều khi bạn đi xin việc. Ví dụ, làm bồi bàn cần có kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, xử lý vấn đề; làm bán hàng cần khả năng marketing, thuyết phục, quản lý tài chính,… Các nhà tuyển dụng cũng thích tuyển những người đã có kinh nghiệm hơn là một bạn sinh viên cầm tấm bằng giỏi ra trường và chưa có bất cứ trải nghiệm thực tế nào.

  • Mở rộng mối quan hệ xã hội

Các mối quan hệ đóng vai trò vô cùng to lớn đối với mỗi người, đặc biệt là mang đến những cơ hội việc làm. Đi làm thêm, bạn sẽ quen biết nhiều người khác, mở rộng được vòng tròn quan hệ của bản thân, có thêm nhiều sự hỗ trợ, giúp sức, thậm chí là một công việc tốt trong tương lai.

  • Khám phá năng lực bản thân

Nhiều sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp rồi vẫn hoang mang không biết mình muốn làm gì, thích hợp với công việc gì. Làm thêm giống như một liều “thuốc thử”. Bạn sẽ được làm các việc khác nhau, ở các môi trường khác nhau. Từ đó có thể phát hiện và tìm ra thế mạnh, sở thích của mình, có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Bạn cũng dễ dàng thấy những điểm yếu của bản thân để sửa đổi và ngày càng hoàn thiện mình hơn.

Những mặt tiêu cực khi sinh viên đi làm thêm

Ngoài những cái lợi, làm thêm cũng có những mặt trái nhất định. Nhiều bạn sinh viên làm những công việc không liên quan gì đến chuyên ngành của mình đang học. Như vậy, ngoài tiền ra thì nó không có bất kỳ ích lợi gì cho công việc của các bạn sau này. Bên cạnh đó, nhiều bạn không cân đối được giữa việc học và làm, dẫn đến kết quả học tập sa sút.

Những mặt trái của làm thêm

Không cân đối giữa học và làm thêm sẽ dẫn đến hậu quả tai hại

Lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, muốn kiếm tiền, nhiều đối tượng còn đăng tin tuyển dụng lừa đảo, rồi đa cấp… lôi kéo sinh viên gia nhập. Hậu quả là vừa mất tiền, vừa mất công sức, thậm chí còn bỏ học. Đa số nạn nhân là các bạn sinh viên năm nhất, vừa chân ướt chân ráo bước vào ngưỡng cửa đại học, còn ngây ngô, chưa hiểu biết nên dễ bị lừa.

Có thể thấy, khó đưa ra được câu trả lời xác đáng cho câu hỏi sinh viên có nên làm thêm hay không. Thực tế, các trường đại học, cao đẳng vẫn tổ chức các kỳ thực tập, kiến tập cho sinh viên. Nên tận dụng những cơ hội này, vừa được thực hành chuyên ngành, vừa kiếm được tiền không nhất định phải đi làm thêm.

Như vậy, với sinh viên, làm thêm có cả mặt lợi và hại. Có đi làm hay không, quan trọng là các bạn phải đủ tỉnh táo và suy nghĩ thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định, để có lựa chọn chính xác và phù hợp nhất cho bản thân.