Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Việt Nam sẽ triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19 ra sao?

Cập nhật: 04/02/2021 15:00 | Trần Thị Mai

Dự kiến quý I/2020, vaccine AstraZeneca sẽ có mặt Việt Nam và được tiêm cho người dân. Vậy những ai sẽ được tiêm đầu tiên, cách thức đăng ký tiêm và hiệu quả ra sao?

Việt Nam sẽ triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19 ra sao?

Đầu tuần này, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, phê duyệt vaccine AstraZeneca của Anh cho trường hợp khẩn cấp phòng, chống dịch. AstraZeneca sẽ trở thành vaccine COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Đây là thông tin vui, thu hút sự quan tâm của xã hội.

Dự kiến ngay trong quý I năm nay, vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca sẽ được phân phối qua hệ trung tâm tiêm chủng VNVC. Sẽ có khoảng 30 triệu liều vaccine này được đưa về Việt Nam trong năm nay. Hiện phía VNVC cũng đã chính thức nhận đăng ký đặt giữ vaccine ngay từ đầu tháng 2 này.

Vaccine AstraZeneca được Việt Nam phê duyệt theo phác đồ tiêm hai liều tiêu chuẩn cho người từ 18 tuổi trở lên. Được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng là được dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 có triệu chứng.

"Hiệu lực bảo vệ đạt 60-70%. Tính an toàn cũng đạt được tính an toàn cao. Trước mắt, có thể tập trung tiêm cho đối tượng có nguy cơ cao như cán bộ y tế, chiến sĩ biên phòng làm trong khu cách ly, cán bộ thường xuyên tiếp xúc với dịch bệnh. Đáng lưu ý, giá vaccine này dễ chấp nhận cho các quốc gia có mức thu nhập trung bình và các nước đang phát triển" - PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết.

Vaccine AstraZeneca hiện đã được phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp ở Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và các quốc gia khác trên 4 châu lục. Đây là vaccine được đồng phát minh bởi Đại học Oxford và Công ty sản xuất hỗ trợ Vaccitech. Vaccine này được bảo quản, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lưu trữ lạnh thông thường (2-8°C) trong ít nhất 6 tháng và có thể sử dụng dễ dàng trong điều kiện của các cơ sở y tế hiện nay.

Quy trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 Nanocovax

Trong khi đó, đến nay, Việt Nam đã tiêm xong 98/120 mũi thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 1 của vaccine Nanocovax, chiếm 82%. Học viện Quân Y đang tổng hợp báo cáo đánh giá. Kết quả bước đầu cho thấy loại vaccine này sinh miễn dịch rất tốt. Chính vì vậy, đơn vị này đang tiếp tục chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn.

- Ngày 3/2, tiêm mũi 2 (liều 50 mcg) cho 5 tình nguyện viên.

- Ngày 8/2, tiêm cho 2 người còn lại trong nhóm 1b và tiêm đồng mũi 2 của vaccine này, liều 75 mcg cho 20 tình nguyện viên cuối cùng của nhóm 1c.

- Sau Tết Nguyên đán, tiêm thử nghiệm trên 560 tình nguyện viên, duy trì nhóm 2 liều vaccine.

Theo các chuyên gia, các thử nghiệm ở giai đoạn 2 tập trung vào nhóm tuổi đích mà vaccine hướng tới. Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 cũng để kiểm tra đáp ứng miễn dịch trên số lượng người nhiều hơn, kiểm tra chi tiết hơn về đáp ứng miễn dịch do vaccine tạo ra và để có cơ sở dữ liệu lớn hơn về sự an toàn của vaccine.

viet-nam-se-trien-khai-tiem-phong-vaccine-covid-19-ra-sao
Việt Nam đặt mục tiêu tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 cho người dân(Ảnh minh họa)

Tiến độ nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine của Việt Nam

Nanogen là đơn vị có tiến độ nghiên cứu và sản xuất vaccine nhanh nhất. Ba nhà sản xuất vaccine COVID-19 của Việt Nam còn lại là: IVAC, VABIOTECH, POLIVAC cũng đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu. Dự kiến, tháng 2/2021, IVAC thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên các tình nguyện viên có độ tuổi từ 18-75 tuổi.

Trong tháng 2/2021, vaccine Covivac của Việt Nam do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) sản xuất cũng chính thức bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một trên các tình nguyện viên 18-75 tuổi.

Còn Công ty TNHH MTV vaccine và sinh phẩm số 1 VABIOTECH đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm. Bước đầu thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine COVID-19 trên chuột và khỉ. Hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vaccine trên động vật.

Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế POLIVAC áp dụng công nghệ tái tổ hợp, sử dụng vector virus sởi. Hiện Polivax đang thực hiện đến giai đoạn thiết lập hệ thống chủng trong phòng thí nghiệm. Dự kiến giữa năm 2021, đơn vị sẽ chuyển sang giai đoạn nghiên cứu quy trình sản xuất. Còn về việc tiếp cận nguồn vaccine nhập khẩu từ Nga, Đại diện Polivax cho biết, dự kiến trong quý I năm nay sẽ có khoảng 100.000 liều vaccine Sputnik V về Việt Nam.

Hải Phòng, Hà Nội đề xuất tự mua vaccine COVID-19 để tiêm miễn phí

Tuy nhiên, để ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện tại, một số thành phố đã có những đề xuất để chủ động trong việc tiếp cận nguồn vaccine nhanh nhất như Hà Nội và Hải Phòng. Tại Hà Nội, lãnh đạo thành phố dự kiến tiêm vaccine COVID-19 cho người dân miễn phí. Ý kiến được đưa ra trong thông báo kết luận cuộc họp của thường trực Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 hôm 3/2.

Theo đó, thành phố Hà Nội có chủ trương tự mua vaccine bằng ngân sách và nguồn xã hội hóa để tiêm miễn phí cho người dân, ưu tiên trước hết cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, đây mới là chủ trương của thành phố và phải đợi xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng.

Trước đó, Hải Phòng cũng giao các đơn vị liên quan của thành phố mua vaccine COVID-19 cho hơn 2 triệu người dân bằng ngân sách của thành phố và Trung ương. Mỗi người dân Hải Phòng sẽ được tiêm 2 liều vaccine COVID-19, mỗi liều cách nhau 21 ngày. Việt Nam đặt mục tiêu tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 cho người dân. Trước đó, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Y tế sớm trình phương án mua vaccine trong quý I/2021.

Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và tổng hợp