Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Bệnh mỡ máu có nguy hiểm không? Người mắc bệnh mỡ máu nên ăn gì?

Cập nhật: 22/06/2021 22:50 | Trần Thị Mai

Bệnh mỡ máu là gì? Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh mỡ máu? Điều trị bệnh ra sao? Người mắc bệnh mỡ máu nên ăn gì để giảm thiểu tình trạng bệnh?... Tất cả các nguyên nhân về bệnh mỡ máu sẽ được chúng tôi giải đáp đầy đủ bên dưới bài viết. Bạn đọc hãy cùng theo dõi nhé!  

Bệnh mỡ máu có nguy hiểm không? Người mắc bệnh mỡ máu nên ăn gì?

Bệnh mỡ máu (hay còn gọi là bệnh máu nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa lipid máu) là tình trạng chỉ số thành phần mỡ trong máu vượt qua mức giới hạn do các nguyên nhân dẫn đến rối loạn chức năng chuyển hóa lipid trong máu.

Trong cơ thể người có nhiều loại chất béo nhưng trong đó hai loại chất béo thường có liên quan đến bệnh máu nhiễm mỡ đó là Cholesterol và Triglyceride. Mỡ máu là do sự tăng cao của một hoặc cả hai loại chất béo này.

Nguyên nhân gây ra bệnh mỡ máu là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh mỡ máu và phổ biến nhất vẫn là do lối sống sinh hoạt, thói quen ăn uống hàng ngày không phù hợp dẫn đến sức khỏe bị ảnh hưởng và làm giảm đi hiệu quả chuyển hóa lipid trong máu.

Bệnh mỡ máu thường xảy ra ở những đối tượng trung tuổi. Hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân chính gây ra bệnh mỡ máu như:

Chế độ dinh dưỡng không phù hợp

Hàng ngày chế độ ăn của bạn có quá nhiều dầu mỡ, tinh bột, đồ ngọt sẽ dễ gây ra tình trạng mỡ máu. Trong đó những thực phẩm như thịt bê, thịt bò, thịt lợn, trứng, sữa… chứa rất nhiều các chất béo bão hòa hoặc các loại thực phẩm đóng hộp, đồ ăn có chứa dầu dừa, dầu cọ, bơ, ca cao cũng chứa hàm lượng chất béo cao nên nếu bạn dùng nhiều sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh mỡ máu.

Thừa cân, béo phì

Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tăng nguy cơ máu nhiễm mỡ. Do khi béo phì hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao nên lượng mỡ thừa sẽ tập trung nhiều ở các vị trí như bụng, mông, hông, đùi. Đồng thời khi béo phì làm cho nồng độ HDL – cholesterol có lợi giảm còn nồng độ LDL – cholesterol tăng cao dẫn đến nguy cơ bị máu nhiễm mỡ.

Không vận động nhiều

Nếu bạn lười vận động sẽ làm tăng nồng độ  lipoprotein xấu và làm giảm nồng độ cholesterol tốt.

Hay gặp stress và căng thẳng kéo dài

Cơ thể mệt mỏi, áp lực sẽ có xu hướng ăn nhiều và ít vận động, lười tập thể dục sẽ gây ra máu nhiễm mỡ.

Thói quen sinh hoạt không lành mạnh

Người thường xuyên sử dụng rượu bia, các chất kích thích, hút thuốc lá sẽ khiến cho nồng độ cholesterol tốt trong cơ thể giảm, khiến cho nồng độ cholesterol trong máu tăng cao.

Một nguyên nhân khác quan trọng đó là do di truyền, đây cũng là nguyên nhân liên quan đến vấn đề gen và đột biến.

Bên cạnh đó còn có các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh mỡ máu như:

  • Có tiền sử mắc các bệnh lý như: Bệnh đái tháo đường, suy thận, suy gan, bệnh nhiễm trùng, viêm ruột…
  • Sử dụng không đúng cách hoặc quá lạm dụng các loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc lợi niệu, thuốc ăn thần… khiến cho rối loạn chuyển hóa lipid, tăng lượng mỡ trong máu.

Ngoài ra sẽ còn rất nhiều các nguyên nhân và yếu tố khác gây ra bệnh mỡ máu mà chưa được liệt kê ở trên. Nếu người bệnh thắc mắc hãy liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp chi tiết.

Các triệu chứng nhận biết bệnh mỡ máu

Bệnh mỡ máu rất ít triệu chứng ban đầu nên người bệnh cũng khó để phát hiện được các triệu chứng của bệnh nên sẽ có tâm lý chủ quan.

Khi mắc bệnh mỡ máu các lipid xấu trong máu sẽ tích tụ dần vào trong lòng mạch, sau đó thời gian kéo dài tạo thành mảng bám lớn và chèn ép lối đi của dòng máu. Do đó cản trở sự lưu thông máu đến những cơ quan khác của cơ thể nên sẽ gây ra triệu chứng như: Tê bì tay chân, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi, đau đầu…

Các mảng bám lớn nếu xuất hiện ở những vị trí mạch máu lớn ở tim, gan, thận sẽ gây tắc nghẽn mạch máu và gây ra hiện tượng ngừng hoạt động ở các cơ quan này. Điều này vô cùng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Bệnh mỡ máu có nguy hiểm không?

Bệnh nếu không được điều trị sớm thì có thể dẫn đến LDL – cholesterol dư thừa bám vào thành động mạch ngày càng nhiều lâu dần sẽ hình thành các mảng bám dày, thu hẹp lòng mạch và giảm lưu lượng máu đến tim, não... Khi các mảng bám vỡ ra hình thành cục máu đông gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Cụ thể như:

Bị đau tim: Khi các mảng bám bị vỡ ra hình thành cục máu đông trong các động mạch có thể khiến tim không nhận đủ oxy dẫn đến xuất hiện các cơn đau tim.

Đột quỵ: khi thiếu oxy lên não thì các cơn đột quỵ sẽ có nguy cơ cao xảy ra. Đây là do mảng bám tích tụ từ LDL-cholesterol dư thừa bị vỡ ra, hình thành cục máu đông, chặn động mạch cấp oxy cho não.

Mắc bệnh tim mạch vành: Do các mảng bám tích tụ trong động mạch sẽ làm giảm đi lưu lượng máu đến tim, dẫn tới các cơn đau thắt ngực hoặc đau tim. Nếu kéo dài trong suốt một thời gian mà không được chữa trị có thể dẫn đến suy tim.

Ngoài ra thì khi mắc bệnh mỡ máu sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh lý khác như: tiểu đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, suy giảm chức năng gan và ung thư gan…

benh-mo-mau
Có rất nhiều các loại thực phẩm giúp giảm mỡ máu mà người bệnh cần chú ý sử dụng thường xuyên

Phương pháp điều trị mỡ máu cao

Hiện nay phương pháp điều trị máu nhiễm mỡ cao bao gồm 2 mục đích là cải thiện triệu chứng và hạn chế được các biến chứng do bệnh gây ra.

Bốn loại thuốc được sử dụng phổ biến để giảm mức cholesterol trong máu bao gồm:

  • Statins
  • Niacin
  • Nhựa gắn acid mật
  • Các dẫn xuất của acid fibric

Để phòng và hạn chế bệnh mỡ máu cao người bệnh nên chú ý ăn uống, tập luyện thể thao thường xuyên giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Khi bệnh nhân mắc bệnh máu nhiễm mỡ nên có kế hoạch điều trị lâu dài, kiên trì. Đồng thời người bệnh cũng không được sử dụng thuốc lá, hạn chế bia rượu, không sử dụng thực phẩm có nhiều chất béo, chứa cholesterol, duy trì việc tập thể dục thể thao điều đặn.

Bệnh mỡ nhiễm máu nên ăn gì?

Theo các giảng viên khoa Điều dưỡng trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn chia sẻ chế độ dinh dưỡng hàng ngày có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người bị mỡ máu cao. Để không có nguy cơ tăng mỡ máu trong cơ thể thì người bệnh nên ăn gì? Cụ thể như:

  • Nên ăn nhiều thịt trắng như cá, thịt nạc, thịt ức gà. Mỗi tuần nên ăn từ 2 -–3 bữa cá thay thịt. Hãy sử dụng dầu thực vật thay cho mỡ động vật trong việc chế biến món ăn. Đặc biệt là người cao tuổi và những người đang xuất hiện triệu chứng mỡ máu.
  • Tăng cường ăn rau xanh, các loại trái cây như nho, táo, cam, bưởi…
  • Không nên ăn thịt mỡ, nội tạng động vật hoặc da của các loại gia cầm mà nên thay bằng đạm thực vật như đậu tương.
  • Sử dụng thường xuyên các loại nấm như mộc nhĩ, nấm hương.
  • Dùng gừng trong việc chế biến đồ ăn hoặc hãm trà uống. Gừng có tác dụng rất tốt trong việc giảm mỡ trong máu.
  • Nên chú ý ăn nhạt để tốt hơn cho hoạt động của tim mạch.
  • Bên cạnh đó có thể dùng trà sen hoặc những loại trà giúp thanh lọc cơ thể đều được.

Song hành với những thực phẩm nên ăn thì người bệnh cũng cần tránh ăn nhiều đồ ăn chiên nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn hoặc đóng hộp.

Như vậy với những thông tin về bệnh mỡ máu ở trên hy vọng bạn đọc đã có thêm nhiều thông tin y khoa hữu ích. Tuy nhiên những thông tin ở trên chỉ mang tính chất tham khảo và không có  tác dụng thay thế chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, dược sĩ.