Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Biến chứng của bệnh cường lách có nguy hiểm không?

Cập nhật: 29/09/2020 12:37 | Trần Thị Mai

Cường lách là gì? Có triệu chứng như thế nào? Biến chứng của cường lách có nguy hiểm không? Sử dụng các phương pháp nào để điều trị bệnh?... Hãy tìm hiểu kỹ hơn các thông tin về bệnh Cường lách dưới bài viết để có lời giải đáp cho những thắc mắc ở trên nhé!  

Biến chứng của bệnh cường lách có nguy hiểm không?

Cường lách chính là tình trạng xảy ra do sự to lên của lách và sự sụt giảm các tế bào máu bao gồm hồng cầu và bạch cầu.

Chứng cường lách thường có các đặc điểm như:

  • Tế bào máu của cả 3 dòng hoặc chỉ một dòng bị suy giảm.
  • Gia tăng hoạt động của tủy xương.
  • Lách sưng to bất thường.
  • Bệnh chỉ có thể thuyên giảm khi tiến hành cắt lách.

Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh cường lách

Các nguyên nhân chính gây ra cường lách bao gồm:

  • Người bệnh đã có tiền sử mắc các bệnh lý nguy hiểm như ung thư máu, ung thư hạch bạch huyết.
  • Mắc tan máu bẩm sinh.
  • Bị xuất huyết và gây ra giảm tiểu cầu.
  • Những bệnh nhiễm trùng như bệnh lao, sốt rét, nhiễm khuẩn huyết…
  • Người bệnh bị Hodgkin, hội chứng Banti…
  • Ngoài ra các bệnh truyền nhiễm cũng có thể làm lá lách phình ra như: viêm gan siêu vi, bạch cầu đơn nhân, HIV, sốt rét và viêm màng trong tim.

Bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ với mọi lứa tuổi. Tuy nhiên trẻ em và thanh niên dễ bị nhiễm trùng và có nguy cơ cao mắc bệnh cường lách. Hoặc những người đi đến vùng bệnh sốt rét cũng chính là một yếu tố. Bạn đọc nếu có thắc mắc về nguyên nhân gây ra bệnh thì hãy hỏi ý kiến các bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp chính xác và chi tiết hơn.

Triệu chứng nhận biết của bệnh cường lách

  • Khi ăn rất ít những người bệnh luôn có cảm giác no bụng.
  • Lách bị to ra nên sẽ có cảm giác đau ở phía bên trái trên bụng. Cảm giác đau có thể lan lên phía vai trái.
  • Thường xuyên trướng bụng, đầy hơi.
  • Nhiệt độ cơ thể tăng gây sốt.
  • Cơ thể mệt mỏi.
  • Da dễ xuất hiện bầm tím.
  • Có các triệu chứng thiếu máu như hoa mắt, chóng mặt.
  • Đánh trống ngực đập liên hồi, tạo cảm giác hồi hộp.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh cường lách

Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh cường lách có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như:

  • Nhiễm trùng: khi mắc cường lách các tế bào hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu trong máu sẽ bị giảm đi. Do đó mà người bệnh dễ bị nhiễm trùng hơn vì các hàng rào bảo vệ cơ thể đã bị suy giảm.
  • Vỡ lá lách: Do đặc điểm của lá lách là tạng đặc, giòn và rất dễ bị tổn thương cho nên khi mắc cường lách thì dễ dàng bị vỡ hơn mức bình thường. Đặc biệt nguy hiểm lá lách vỡ có thể gây chảy máu ở trong khoang bụng và đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Kỹ thuật chẩn đoán bệnh Cường lách

Một số các kỹ thuật thường được bác sĩ chỉ định trong chẩn đoán bệnh như:

  • Xét nghiệm máu: Lấy máu từ người bệnh để thực hiện xét nghiệm máu theo đúng  quy trình kỹ thuật để từ đó đánh giá được số lượng tế bào máu hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.
  • Siêu âm ổ bụng hoặc dùng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính để xác định lách to, kích thước của lách. Điều này có thể đánh giá chèn ép của lách lên các cơ quan xung quanh cơ thể người.
  • Chụp cộng hưởng từ: Kỹ thuật này có thể đưa ra hình ảnh rõ nét để bác sĩ đánh giá dòng máu chảy qua lá lách.

Ngoài ra có thể thực hiện các xét nghiệm khác để đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh như: chức năng gan, huyết tủy đồ, sinh thiết tủy xương….

cuong-lach
Siêu âm là một trong những kỹ thuật để chẩn đoán bệnh cường lách

Phương pháp điều trị bệnh Cường lách

Điều trị nội khoa

Điều trị phương pháp này nếu người bệnh mắc cường lách ở mức độ nhẹ do nhiễm trùng và sẽ được các bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh phù hợp.

Tuy nhiên cần thực hiện theo đúng chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được tự ý sử dụng theo sở thích của bản thân vì có thể gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Dùng phương pháp phẫu thuật

Phẫu thuật sẽ được tiến hành khi tìm chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh và khi đã được điều trị mà các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm.

Trong trường hợp người bệnh bị cường lách khi lách to và cả khi lách không to. Phương pháp này sẽ hạn chế sự tụt giảm các tế bào máu trong cơ thể.

Phẫu thuật là phương pháp sẽ đem lại hiệu quả cao nhất đối với các trường hợp cường lách đã gây ra biến chứng nguy hiểm hoặc đã có bệnh mãn tính, nguy kịch.

Sau khi phẫu thuật người bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc nhiễm trùng nên cần lưu ý những điều dưới đây để hạn chế:

  • Ngay khi có các dấu hiệu nhiễm trùng cần có sử dụng kháng sinh.
  • Trước và sau khi phẫu thuật tiến hành tiêm vắc xin phòng phế cầu, não mô cầu…
  • Tránh xa các nơi có dịch bệnh hoặc ẩn chứa nhiều yếu tố nguy hiểm.
  • Cơ thể có sốt thì cần báo ngay cho các bác sĩ chuyên khoa để có phương pháp điều trị kịp thời.
  • Việc điều trị cường lách sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh như sốt rét, ký sinh trùng trùng gây triệu chứng giống cảm cúm…

Cần tái khám đúng theo lịch hẹn để kiểm soát tốt các triệu chứng, tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Bài viết của các thầy cô khoa dược tại Cao đẳng Dược HCM chia sẻ về bệnh Cường lách, tuy nhiên những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế cho các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Để hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra thì ngay khi có các triệu chứng bất thường về  sức khỏe thì nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị phù hợp.