Nguyên nhân gây ra vỡ tử cung
Vỡ tử cung là tình trạng tử cung bị xé rách từ niêm mạc qua lớp cơ, nếu đến cả phúc mạc qua làm buồng tử cung thông với ổ bụng sẽ gọi là vỡ tử cung hoàn toàn. Trường hợp lớp phúc mạc còn nguyên thì đó là vỡ tử cung không hoàn toàn.
Nguyên nhân gây ra vỡ tử cung thường xuyên nhất là dọc theo vết sẹo ở những phụ nữ đã có tiền sử mổ lấy thai.
Tử cung có thể vỡ trong quá trình mang thai hoặc khi sinh. Nhưng việc vỡ trong thời kỳ mang thai sẽ hiếm gặp hơn.
Còn có các yếu tố liên quan khác bao gồm: bất thường tử cung bẩm sinh, chấn thương hoặc thực hiện các thủ thuật phẫu thuật tử cung khác như phẫu thuật bóc u xơ hoặc phẫu thuật mở bào thai. Yếu tố nguy cơ có thể chia làm hai trường hợp như vỡ tử cung trong lúc mang thai và trong cuộc sinh.
Một số yếu tố nguy cơ trong lúc mang thai
Có sẹo mổ cũ trên tử cung như sẹo mổ lấy thai, có tiền sử bóc nhân xơ tử cung, sẹo mổ chỉnh tử cung, sẹo mổ ở góc tử cung do tiền sử thai ở sừng tử cung.
Xuất hiện dị dạng tử cung, tử cung một sưng hoặc hai sừng, tử cung đôi.
Chấn thương mạnh và trực tiếp vào bụng.
Do thủ thuật xoay ngôi thai.
Nhau cài răng lược.
Các yếu tố nguy cơ trong cuộc sinh
Cuộc sinh kéo dài trong suốt một thời gian dẫn đến cản trở sự lọt xuống của thai như bất thường khung chậu, thai to, ngôi thai bất thường.
Sử dụng thuốc tăng co để tăng tần xuất cơn gò và thúc đẩy cuộc sinh.
Ngoài ra sẽ còn có nhiều các yếu tố và nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng vỡ tử cung mà chưa liệt kê ở trên. Nếu bạn đọc thắc mắc hãy liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp chi tiết.
Dấu hiệu nhận biết bệnh vỡ tử cung
Các triệu chứng điển hình để nhận biết tình trạng vỡ tử cung như:
- Âm đạo chảy máu nhiều.
- Bụng đau liên tục kèm theo các cơn gò, đau dữ dội.
- Nhịp đập của tim thai giảm dần và sau đó sẽ yếu dần.
- Khi tiến hành thăm khám âm đạo sẽ thấy ngôi thai bị đẩy lên cao hơn, sưng phình phần dưới xương mu, mất trương lực cơ co tử cung. Vết nứt lớn hơn và thai bị tống vào bên trong ổ bụng.
- Không thể sinh ngã âm đạo.
Tình trạng vỡ tử cung sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Do đó mẹ bầu cần hết sức lưu ý các triệu chứng bất thường của cơ thể và nên đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được xử lý nhanh chóng, kịp thời.
Vỡ tử cung sẽ dẫn đến nguy hiểm gì?
Tính mạng của cả mẹ và con sẽ bị ảnh hưởng nếu không được xử trí kịp thời, cụ thể như:
Mẹ bầu sẽ mất nhiều máu và có thể sốc do mất máu. Mặc dù vậy nhưng nếu người mẹ bị vỡ tử cung khi ở bệnh viện thì sẽ được kiểm soát tốt.
Bên cạnh đó tình trạng vỡ tử cung có thể làm ảnh hưởng đến sự sống của thai nhi. Nên khi nghi ngờ người bệnh có triệu chứng vỡ tử cung thì sẽ ngay lập tức mổ cấp cứu. Nhằm cứu sống em bé ra ngoài sớm càng tốt.
Có nhiều trường hợp phải cắt tử cung khi bị vỡ tử cung.
Làm tổn thương các tạng khác như bàng quang, niệu quản… kéo dài hơn có thể dẫn đến tổn thương các cơ quan lân cận trong khi phẫu thuật xử trí vỡ tử cung.
>> Tham khảo thông tin xét tuyển cao đẳng điều dưỡng của trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn
Các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh vỡ tử cung
Khi có các triệu chứng lâm sàng nghi ngờ vỡ tử cung thì bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán như:
- Tiến hành siêu âm: để phát hiện xem thai nằm trong ổ bụng và kiểm tra hoạt dộng của tim thai.
- Thực hiện công thức máu: Kiểm soát mức độ hồng cầu giảm.
Ngay khi có kết quả chẩn đoán về bệnh vỡ tử cung thì cần phải mổ cấp cứu nếu lâm sàng không xác định rõ có thể mổ thăm dò để tránh sót trường hợp vỡ tử cung dưới phúc mạc.
Đồng thời sẽ thực hiện hồi sức, chống choáng bằng thuốc giảm đau, truyền dịch, truyền máu tươi để bù lại khối lượng tuần hoàn và điện giải để nâng huyết áp tối đa của bệnh nhân lên 90 – 100mmHg thì mới tiến hành mổ được.
Trong trường hợp nếu sản phụ còn có nhu cầu sinh con, tổn thương sạch, vết thương nhỏ và thời gian vỡ tử cung không quá dài thì có thể cắt lọc và xén gọn vết rách rồi khâu.
Đối với trường hợp vết thương nghiêm trọng, nham nhở, thời gian vỡ lâu thì phải cắt tử cung bán phần.
Sau mổ cần dùng kháng sinh liều cao, phối hợp và theo dõi chặt chẽ để phát hiện nhiễm khuẩn
Các biện pháp phòng tránh
Trước và trong suốt quá trình mang thai mẹ bầu cần thực hiện nghiêm chỉnh thực hiện các buổi thăm khám và xét nghiệm khi mang thai, đặc biệt ở những buổi khám ở cuối thai kỳ.
Nên chờ ít nhất 3 năm mới mang thai lại đối với những người có sẹo tử cung.
Các bà bầu có nguy cơ cao mắc tình trạng vỡ tử cung thì nên thường xuyên theo dõi để được điều trị kịp thời.
Những bà bầu có khung xương chậu hẹp, sinh con nhiều lần với chiều cao tử cung khoảng 34cm t hì nên chọn sinh con ở tuyến trên để hạn chế nguy hiểm.
Tránh sinh con quá gần nhau và sinh nhiều con. Những mẹ đã sinh mổ nếu muốn mang thai tiếp nên chờ từ 3 – 5 năm.
Ngay khi có các triệu chứng bị đau bụng và ra máu âm đạo bất thường, bà bầu cần đi khám ngay để được chẩn đoán biến chứng mắc phải là gì và có biện pháp xử lý kịp thời.
Hy vọng với những thông tin ở trên, bạn đọc đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích về tình trạng vỡ tử cung nguy hiểm. Tuy nhiên những thông tin ở trên chỉ mang tính chất tham khảo và không có tác dụng thay thế chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.