Stent là gì?
Stent là khung lưới nhỏ được làm bằng kim loại hoặc vải có hình ống. Chúng được đặt vào lòng động mạch trong trường hợp mạch bị tắc hẹp hoặc suy yếu nhằm nong rộng mạch, cải thiện lưu thông máu và ngăn ngừa động mạch vỡ.
Có hai loại stent thông dụng là stent thường và stent phủ thuốc.
Stent được dùng trong điều trị bệnh mạch vành và một số bệnh về mạch máu khác như bệnh động mạch cảnh, hẹp động mạch thận, động mạch ngoại biên, phình động mạch chủ hay rách lớp áo trong của thành động mạch chủ…
Stent phủ thuốc là một bước tiến lớn trong ngành tim mạch
Thông tin về đặt stent mạch vành
-
Đặt stent mạch vành có thể xảy ra rủi ro gì ?
Việc đặt stent mạch vành có thể gây ra một số rủi ro cho người bệnh như:
- Tái tắc hẹp mạch vành: Sau khi đặt stent mạch vành, lớp nội mạc phát triển quá mức có thể khiến mạch vành tắc hẹp trở lại. Tỉ lệ này khá thấp, chỉ 10 – 20%. Để giảm tỉ lệ này, có thể sử dụng thủ thuật stent phủ thuốc hoặc điều trị bằng bức xạ.
- Nguy cơ xuất hiện cục máu đông: Trường hợp xuất hiện huyết khối tại vị trí đặt stent chỉ vào khoảng 1 – 2% trong vài tháng đầu kể từ khi đặt stent. Để hiện tượng này không xảy ra, bệnh nhân nên sử dụng aspirin và thuốc chống đông máu.
- Một số rủi ro khác: Ngoài 2 rủi ro trên, có thể xảy ra tình trạng rối loạn nhịp tim, nhiễm trùng, tổn thương thận, chảy máu tại vị trí luồn ống, tổn thương mạch máu… khi tiến hành thủ thuật đặt stent mạch vành.
Để ngăn ngừa các rủi ro trên và điều trị dứt điểm bệnh, người bệnh cũng nên thực hiện lối sống khoa học và điều độ. Đó là bỏ hút thuốc lá, uống rượu bia, tăng cường vận động, thư giãn, tránh căng thẳng và đi khám định kỳ để kiểm soát bệnh tình.
-
Đặt stent mạch vành được bao lâu ?
Thời gian của một lần đặt stent mạch vành phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại stent, có gặp rủi ro gì sau đặt stent không và việc tuân thủ điều trị cùng lối sống của bệnh nhân sau khi đặt stent mạch vành.
Ví dụ, nếu đặt cố định stent kim loại vào động mạch, stent có thể tồn tại mãi mãi trong cơ thể. Thế nhưng, nếu người bệnh không tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ và không dùng thuốc, mạch vành có thể tái hẹp và cần thay stent mới sau 1 – 2 năm, thậm chí là chỉ 6 tháng đặt stent.
Hoặc nếu sử dụng stent tự tiêu, sau 3 – 5 năm, stent sẽ hòa tan trong động mạch và cho phép mạch vành trở lại hoạt động bình thường.
Do đó, để kéo dài tuổi thọ của stent mạch vành, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn điều trị của bác sĩ và thực hiện lối sống khoa học, điều độ, tránh các tác nhân làm tái phát bệnh.
Tuổi thọ của stent phụ thuộc vào nhiều yếu tố
-
Đặt stent mạch vành bao nhiêu tiền ?
Tùy vào loại stent hay mức độ tắc hẹp mạch vành mà chi phí cho việc đặt stent mạch vành có thể thay đổi.
Trước tiên, cần thực hiện chụp mạch vành để xác định tình trạng bệnh và hướng điều trị. Chi phí cho việc xét nghiệm này là 5 – 6 triệu đồng/lần chụp. Nếu có bảo hiểm y tế, bệnh nhân chỉ cần chi trả 3 – 4 triệu đồng/lần.
Chi phí đặt stent là 40 – 50 triệu đồng/stent nếu có bảo hiểm y tế. Nếu không có bảo hiểm, mức giá cho 1 stent lên đến 70 – 80 triệu đồng. Ngoài ra, người bệnh cũng cần chi trả cho các chi phí khác như giường bệnh, thuốc men kèm theo…
Như vậy, việc điều trị và sử dụng stent mạch vành khá tốn kém nhưng đem lại hiệu quả cao. Để việc điều trị thực sự hiệu quả và dứt điểm, người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và kiên trì thay đổi lối sống.
Tổng hợp từ Cao đẳng dược TPHCM