Viêm amidan và nguyên nhân
Amidan là một tổ chức nằm bên thành họng, có chức năng sản sinh ra các kháng thể, bảo vệ mũi họng khỏi các virus, vi khuẩn gây bệnh.
Viêm amidan là tình trạng xung huyết, tăng tiết chế của khu vực niêm mạc amidan, làm cho amidan bị viêm nhiễm và sưng phồng.
Bị sưng amidan do nhiều nguyên nhân
Vậy nguyên nhân nào gây ra tình trạng sưng amidan? Sau đây là một số nguyên nhân:
- Amidan là nằm ở điểm giao nhau giữa đường ăn và đường thở nên rất dễ chịu sự tấn công của virus, vi khuẩn, nấm qua đường ăn và đường thở, chẳng hạn như từ khói, bụi, thời tiết thay đổi, điều hòa, thức ăn cay nóng, nước đá, vệ sinh răng miệng không sạch,…
- Với cấu trúc nhiều khe, hốc của amidan, các loại virus, vi khuẩn hay nấm dễ dàng có nơi trú ngụ và sẵn sàng gây bệnh khi cơ thể bị giảm sức đề kháng.
- Một số trường hợp trẻ em có amidan bẩm sinh phát triển quá mức dẫn đến khó thở, khó nuốt, đồng thời dễ gây viêm nhiễm.
- Ngoài ra, viêm amidan cấp có thể xảy ra sau khi người bệnh mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp như cúm, sởi, ho gà,…do virus, vi khuẩn có sẵn trong múi họng, gặp điều kiện thuận lợi liền phát triển và gây bệnh.
Viêm amidan có những triệu chứng thế nào?
Biểu hiện thường gặp ở những người bệnh bị viêm amidan là ho, sốt, đau họng, khó thở, khó nuốt, sưng và đau ở vùng cổ,… Tuy nhiên, ở mỗi tình trạng bệnh thì mức độ biểu hiện của triệu chứng sẽ có sự khác nhau.
Với viêm amidan cấp tính, biểu hiện thường là:
- Sốt cao, đau đầu, cơ thể mệt mỏi, các biểu hiện thông thường mạnh hơn so với viêm amidan mãn tính.
- Gây ho từng cơn có đờm, khàn tiếng và đau tức ngực, môi khô và lưỡi trắng bẩn.
- Nếu do virus thì amidan sưng to và đỏ, niêm mạc họng đỏ rực,…kèm theo một số triệu chứng như chảy mũi, khàn tiếng, viêm kết mạc.
- Nếu là do vi khuẩn thì amidan sưng to và đỏ, trên bề mặt xuất hiện những chấm mủ trắng, hạch dưới góc hàm sưng và đau.
Trẻ em có tỷ lệ bị viêm amidan cao
Biểu hiện ở bệnh nhân viêm amidan mãn tính là:
- Có thể sốt nhẹ hoặc không sốt, có cảm giác ngứa rát ở họng.
- Ho khan từng cơn, chủ yếu vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.
- Nếu viêm amidan mãn tính quá phát thì sẽ dẫn đến thở khò khè, ngáy to. Amidan quá to dễ gây khó thở, khó nuốt, nguy hiểm hơn là có thể gây ngưng thở khi ngủ ở trẻ nhỏ.
Một số phương pháp điều trị viêm amidan hiệu quả
Các trường hợp viêm họng amidan chủ yếu do virus gây ra, vì thế chỉ cần điều trị triệu chứng bằng paracetamol để hạ sốt.
Với số ít trường hợp mắc bệnh do vi khuẩn, có thể điều trị viêm amidan bằng penicillin hoặc erythromycin (trong trường hợp bệnh nhân bị dị ứng với penicillin). Nếu bạn hết sốt sau 2-3 ngày dùng kháng sinh thì bạn vẫn cần tiếp tục uống thuốc đủ liều, tránh tình trạng kháng thuốc cho những lần mắc bệnh sau đó.
Điều trị bằng cách phẫu thuật cắt amidan cần thiết đối với những bệnh nhân bị viêm amidan nhiều lần hoặc viêm amidan nặng ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống hàng ngày.
Trong trường hợp có dấu hiệu viêm họng kéo dài quá vài ngày hoặc dai dẳng không hết, có hiện tượng sốt cao và nôn nên đi khám để được bác sĩ tư vấn kịp thời. Uống nhiều nước và dùng nước muối pha loãng sát khuẩn súc miệng 2-5 lần trong ngày.
Hiện nay có nhiều phương thuốc đông y cũng có tác dụng hiệu quả trong phòng và chữa bệnh viêm amidan mà không cần phẫu thuật cắt bỏ. Không nên bỏ ngang khi đang trong quá trình chữa, cần kiên trì dùng thuốc để tránh nguy cơ tái phát cũng như nhờn thuốc...
Mong rằng với những chia sẻ trên đây, bạn đã có thêm những kiến thức bổ ích về viêm amidan để có thể bảo vệ sức khỏe của gia đình bạn.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp!