Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Dấu hiệu nhận biết và cách phòng chống bệnh sởi cho trẻ

Cập nhật: 14/02/2019 10:41 | Nhâm PT

Hiện nay bệnh sởi đang gia tăng nhanh tại nhiều địa phương và được dự báo còn tăng mạnh hơn trong thời điểm thời tiết giao mùa này. Cha mẹ cần nắm được các dấu hiệu nhận biết và chủ động cách phòng chống bệnh sởi cho trẻ.

Dấu hiệu nhận biết và cách phòng chống bệnh sởi cho trẻ

Bệnh sởi là gì?

Sởi có tên tiếng Anh là measles hoặc rubeola, là bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng như sốt phát ban, chảy nước mũi, ho, đau mắt đỏ...bệnh hay gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi và có thể gặp ở người lớn do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều.

Bệnh sởi có nguy hiểm không?

Bệnh sởi có nguy hiểm không?

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, chỉ trong dịp Tết Nguyên đán 2019, cả nước thống kê nhận hơn 600 trường hợp bị sốt phát ban nghi sởi ở tất cả các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Theo nhận định bệnh sởi có thể dẫn đến những biến chứng nặng như mù, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, dễ bị bệnh và nguy cơ tử vong cao cho người bị mắc phải.

Bộ nhận định dịch lan nhanh hơn do trong giai đoạn chuyển mùa ẩm ướt như hiện nay là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh về hô hấp truyền nhiễm như dịch sởi phát triển mạnh. Số ca mắc sởi trong thời gian tới có thể tăng hơn và có diễn biến chiều hướng phức tạp nên cha mẹ cần đặc biệt chú ý theo dõi biểu hiện của con để kịp thời xử lý.

Các triệu chứng điển hình khi mắc bệnh sởi

Người mắc bệnh sởi thường trải qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Thời gian ủ bệnh, 10 -12 ngày, ở giai đoạn này người bị sởi không có biểu hiện gì cho dù cơ thể đã nhiễm phải virus sởi.

Giai đoạn 2: Đây là thời điểm bệnh sởi xuất hiện những biểu hiện như mệt mỏi, đau đầu, nước mũi chảy nhiều hơn, viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, mắt đỏ bất thường...

Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn người bệnh bị phát ban, sốt cao có thể sốt tới 39 độ C, phát ban toàn cơ thể hoặc không toàn cơ thể. Cơ thể của trẻ sẽ thấy xuất hiện những mảng đỏ nổi lên trên mặt, theo đường tóc và sau tai sau đó có thể lan xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Ban sởi tồn tại 2-3  ngày rồi lặn theo trình tự đã mọc.

Trẻ mắc bệnh sởi bị lên phát ban

Trẻ mắc bệnh sởi bị lên phát ban

Bệnh sởi rất dễ lây lan, nhất là những nơi tập trung đông người như trong trường học, bệnh viện. Lây trực tiếp qua đường hô hấp có chứa mầm bệnh hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các mầm dịch. Trẻ em không được tiêm vacxin sởi đầy đủ và những người không có miễn dịch với virus sởi đều có thể bị mắc sởi.

Cách phòng chống bệnh sởi cho trẻ em

Để phòng chống bệnh sởi cho trẻ em Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cha mẹ trẻ nên thực hiện các cách sau:

- Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi đi tiêm vắc xin phòng bệnh nếu chưa tiêm  đủ 2 mũi vacxin sởi - rubella đầy đủ và đúng lịch thì tiêm bổ sung.

- Giữ vệ sinh thân thể, tai, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày, đảm bảo trẻ được sống trong môi trường thoáng mát, sạch sẽ, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để có sức đề kháng.

- Bệnh sởi rất dễ lây nên cha mẹ không nên cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi, cho trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống.

- Cần giữ vệ sinh sạch sẽ, khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập tại nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em.

- Cung cấp dinh dưỡng và tăng cường bú mẹ, bổ sung vitamin A cho trẻ. Tăng các cữ ăn trong ngày và cho trẻ bú nhiều hơn bình thường, thức ăn mềm, lỏng dễ tiêu hoá để đảm bảo trẻ được cung cấp đủ dịch và năng lượng.

- Nếu trẻ có dấu hiệu sốt thì nên cho trẻ uống paracetamol để thoáng, không mặc nhiều quần áo hay quấn chăn mền.

- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban thì cha mẹ cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.

- Trẻ cần đưa đi khám ngay khi: Có dấu hiệu mất nước: môi khô, khóc không nước mắt, khát nước, quấy khóc, giọng khàn khi khóc, tiêu chảy, nôn ói, đau mắt, mắt đổ ghèn, sốt liên tục trong 4 ngày.

-Trẻ nhập viện khi: Sốt cao khó hạ, li bì, khó đánh thức, loét miệng nhiều, thở nhanh, trẻ suy dinh dưỡng nặng.

Khuyến cáo: Các gia đình không nên tự ý đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh lây nhiễm chéo các bệnh khác từ nơi đông người. Nên cách ly trẻ mắc sởi và chăm sóc y tế trong vòng 7 ngày kể từ khi phát ban. Trong thời gian cách ly, cho trẻ đeo khẩu trang y tế.

Theo Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp