Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Nguyên nhân gây ra Cholesterol cao mà bạn cần biết

Cập nhật: 22/09/2020 11:44 | Trần Thị Mai

Cholesterol cao là một tình trạng ẩn chứa nhiều nguy hiểm và nếu không kịp thời xử lý sẽ dẫn đến các biến chứng đe dọa đến tính mạng. Hiện nay tại Việt Nam trong khoảng 10 người sẽ có tới 3 người bị mắc Cholesterol cao. Vậy hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu tất cả các thông tin về bệnh Cholesterol cao.  

Nguyên nhân gây ra Cholesterol cao mà bạn cần biết

Để tìm hiểu khái niệm Cholesterol cao là gì? Thì trước tiên bạn cần hiểu Cholesterol là một thành phần của lipid máu, với hầu hết các hoạt động của cơ thể C đóng vai trò vô cùng quan trọng, được vận chuyển trong huyết tương và có ở màng tế bào của các mô trong cơ thể. Có đến 75% Cholesterol trong máu là do cơ thể tự tổng hợp được và còn lại sẽ lấy từ thức ăn. Trong đó C được chia thành 2 loại chính là LDL (hay còn gọi là Cholesterol xấu) và HDL (hay còn gọi lại Cholesterol tốt).

Cholesterol cao chính là thể hiện tình trạng nồng độ Cholesterol toàn phần cao hơn 5.2 mmol/L. Trường hợp nồng độ LDL – C > 2.58 mmol/L thì sẽ có nguy cơ dẫn đến tắc nghẽn động mạch. Trường hợp HDL – Cholesterol nhỏ hơn 1.03 mmol/L thì lúc này khả năng loại bỏ chất béo ra khỏi cơ thể sẽ bị suy giảm hơn mức bình thường.

1. Nguyên nhân và triệu chứng Cholesterol cao trong máu cao

Theo các giảng viên khoa Dược của Cao đẳng Dược chia sẻ thì có rất nhiều nguyên nhân gây ra Cholesterol trong máu cao, trong đó một vài nguyên nhân chính như:

  • Thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh
  • Việc sử dụng thường xuyên các loại thực phẩm có chứa nhiều chất béo no hoặc dùng nhiều các loại sữa, bơ, phomai, nội tạng động vật, thực phẩm ăn nhanh, đồ đóng hộp, chiên rán nhiều như khoai tây, gà rán…
  • Không thường xuyên vận động: Thường thấy những người ngồi hoặc nằm quá nhiều sẽ có khả năng mắc Cholesterol cao hơn những người bình thường. Vì khi vận động đều đặn sẽ giúp giảm triglyceride ngăn chặn nguy cơ Cholesterol tăng.
  • Dùng rượu và thuốc lá: Các thói quen xấu này sẽ vô tình làm giảm HDL – Cholesterol tốt.
  • Tác dụng phụ hoặc quá lạm dụng việc sử dụng thuốc trong quá trình điều trị bệnh cũng có thể làm tăng triglycerid.
  • Có tiền sử các bệnh như tiểu đường, suy giáp, thừa cân béo phì…
  • Tiền sử gia đình: Trong gia đình bạn đã có những người mắc Cholesterol cao thì đây cũng sẽ là một yếu tố khiến cho bạn dễ bị mắc phải tình trạng Cholesterol tăng cao.

Ngoài những nguyên nhân chính ở trên khiến cho lượng Cholesterol cao còn có những yếu tố khác. Nếu người bệnh có thắc mắc hãy hỏi bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp chi tiết nhé.

Triệu chứng Cholesterol cao

Thời gian đầu mới mắc Cholesterol cao thì người bệnh sẽ không có biểu hiện gì nổi bật cho đến khi thực hiện các xét nghiệm hoặc gặp phải các biến chứng nguy hiểm như xơ vữa động mạch, đột quy, đau tim…

Do đó tốt nhất bạn nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm ra bệnh và có các biện pháp điều trị phù hợp với mức độ bệnh.

2. Cholesterol cao có nguy hiểm không?

Tình trạng Cholesterol cao nếu không có cách điều trị phù hợp sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như:

  • Sỏi mật: Cholesterol cao chiếm đến khoảng 80% tổng số ca sỏi mật do đó mà có thể nói đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến sỏi mật. Không chỉ vậy mà còn gây ra các triệu chứng như đầy bụng, chậm tiêu hóa…
  • Đau tim: việc Cholesterol cao làm xuất hiện các mảng bám trong thành động mạch, điều này dẫn đến cản trở lưu thông oxy và máu và sẽ có nguy cơ cao dẫn đến đau tim và đột quỵ. Cơn đau tim xuất hiện sẽ dẫn đến các mảng bám đó bị vỡ ra hình thành cục máu đông làm cho động mạch không thể nhận máu và oxy. Lúc này vô cùng nguy hiểm vì các cơ tim đã bắt đầu chết dần.
  • Huyết áp cao: Nhiệm vụ của các Cholesterol tốt là ổn định được huyết áp ở mức độ bình thường nhưng khi Cholesterol xấu tăng cao ngược lại sẽ làm huyết áp của người bệnh tăng cao.
  • Đột quỵ: Đột quỵ xảy ra khi não không nhận đủ máu, oxy, trong một thời gian các tế bào não bắt đầu chết. Hệ quả của việc này là do Cholesterol xấu tăng cao làm cho động mạch tới não bị tắc nghẽn, cản trở sự lưu thông của máu và oxy.
  • Xơ vữa động mạch: Không kiểm soát tốt tình trạng Cholesterol máu tăng thì sẽ gây ra xơ vữa động mạch. Cholesterol, chất béo và canxi sẽ tạo thành các mảng bám tích tụ trong thành động mạch làm cản trở quá trình lưu thông của oxy và máu do động mạch đã bị cứng và hẹp trước đó.

Có quá nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người bệnh khi không điều trị kịp thời Cholesterol cao. Khi thấy cơ thể có các dấu hiệu khác thường hãy đến những cơ sở y tế chuyên khoa để  được thăm khám, chẩn đoán chính xác.

Cholesterol-cao
Việc điều chỉnh chế độ ăn uống cũng là một cách để điều trị giảm Cholesterol cao

3. Phương pháp điều trị giảm Cholesterol cao

Hiện nay các bác sĩ chuyên khoa thường tư vấn cho người bệnh 2 phương pháp điều trị C cao là: Phương pháp sử dụng thuốc và phương pháp không sử dụng thuốc mà hãy thay đổi thói quen sinh hoạt. Cụ thể từng phương pháp như:

Phương pháp sử dụng thuốc

- Chủ yếu sử dụng các loại thuốc với mục đích khác nhau:

  • Thuốc có tác dụng làm chậm quá trình sản xuất Cholesterol ở gan
  • Thuốc để làm giảm đi quá trình sản xuất protein vận chuyển Cholesterol và triglyceride.

- Tuy nhiên việc sử dụng thuốc sẽ cần theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thì mới đạt hiệu quả cao sau quá trình điều trị, Người bệnh không được tự ý tăng giảm liều dùng theo sở thích của bản thân vì có thể gây ra các tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Phương pháp không sử dụng thuốc

- Một số các điều điều trị giảm Cholesterol trong máu như:

  • Hạn chế việc sử dụng các loại thực phẩm ăn nhanh và đồ chiên rán, đóng gói, chế biến sẵn vì rất có hại cho sức khỏe.
  • Giảm ăn các loại thực phẩm có chứa chất béo bão hòa như thịt mỡ, da gia cầm hoặc những dòng  sữa nguyên kem, mỡ lợn, bơ… Thay vào đó nên chọn các loại chất béo an toàn cho sức khỏe như dầu oliu, dầu đậu nành, dầu hướng dương….
  • Thường xuyên sử dụng cá có chứa nhiều axit béo Omega - 3, đặc biệt là các loại cá như cá tuyết, cá thu, cá hồi cũng rất tốt cho hệ tim mạch.
  • Thực đơn hàng ngày nên chú ý bổ sung rau, củ, quả: Yến mạch, lúa mạch, trái cây, các loại hạt, rau đậu sẽ là chất xơ hòa tan và có tác dụng giúp cho người bệnh giảm mức Cholesterol trong cơ chế liên quan đến tiêu hóa trong ruột.
  • Không nên hút thuốc lá và uống rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích.
  • Cùng với việc thay đổi chế độ ăn uống phù hợp thì chế độ vận động cũng cần được thực hiện thường xuyên. Mỗi ngày có thể dành ra từ 30  phút – 60 phút để tập thể dục nhẹ nhàng phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Cholesterol cao rất nguy hiểm cho sức khỏe, hy vọng những thông  tin ở trên thực sự hữu ích với bạn đọc. Tuy nhiên chỉ mang tính chất tham khảo, nếu người bệnh có thắc mắc thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp chính xác và chi tiết.