Ống dẫn tinh là một bộ phận có chiều dài khoảng 30cm, đường kính khoảng 2 – 3mm và có chức năng dẫn tinh trùng từ mào tinh hoàn qua túi tinh để nhận tinh dịch rồi đến niệu đạo để phóng tính trong quá trình thụ tinh của nam giới.
Tắc ống dẫn tinh là một trong những bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nam giới. Tình trạng đó thể hiện ống dẫn tinh trùng của nam giới bị chặn ở một vị trí nào đó sẽ dẫn đến khi xuất tinh tinh trùng không thể thoát ra ngoài một cách bình thường được.
Bị viêm tắc ống dẫn tinh sẽ là nguyên nhân hàng đầu gây ra vô sinh ở nam giới.
Nguyên nhân gây ra tắc ống dẫn tinh
Một số các nguyên nhân gây ra tắc ống dẫn tinh như:
- Mắc các bệnh viêm nhiễm cơ quan sinh dục: người có tiền sử mắc các bệnh viêm nhiễm cơ quan sinh dục như viêm tuyến tiền liệt, viêm mào tinh hoàn, viêm túi tinh… sẽ gây ra triệu chứng bị tắc ống dẫn tinh.
- Những bệnh lây qua quan hệ tình dục như giang mai, lậu, tạp khuẩn, ký sinh trùng… khi không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nặng là tắc ống dẫn tinh.
- Sự xuất hiện của các khối u như ung thư túi tinh, ung thư mào tinh hoàn, ung thư tuyến tiền liệt… có thể trở thành nguyên nhân gây ra tắc ống dẫn tinh.
- Gặp phải các chấn thương đáy chậu, chấn thương vùng bẹn bìu… nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến hậu quả tắc ống dẫn tinh.
- Quá trình thực hiện tiểu phẫu: điều trị thoát vị, ung thư thừng tinh, tiểu phẫu giãn mạch thừng tinh, tiểu phẫu tại tuyến tiền liệt, thắt ống dẫn tinh triệt sản hoặc có sự can thiệp chụp ống dẫn tinh không đảm bảo an toàn… sẽ vô tình làm tổn thương ống dẫn tinh, để lại sẹo và lâu dần sẽ làm tắc ống dẫn tinh.
Bên cạnh đó những đối tượng có nguy cơ mắc viêm tắc ống dẫn tinh cao hơn như:
- Người mắc bệnh bẩm sinh liên quan đến sự lưu thông bình thường của tinh trùng.
- Nam giới có quan hệ tình dục không an toàn.
- Thường xuyên không vệ sinh sạch sẽ vùng niệu đạo nên sẽ dẫn đến viêm nhiễm ống dẫn tinh.
Còn rất nhiều các nguyên nhân và yếu tố khác làm gia tăng nguy cơ mắc ống dẫn tinh chưa được liệt kê ở trên. Bạn đọc hãy hỏi thêm ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp chi tiết hơn.
Triệu chứng để nhận biết bệnh viêm tắc ống dẫn tinh
Việc phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh thì sẽ giúp bạn có hướng điều trị sớm, kịp thời và hạn chế biến chứng có thể xảy ra.
Một số các triệu chứng nhận biết viêm tắc ống dẫn tinh như:
- Trong quá trình xuất tinh người bệnh sẽ thấy đau âm ỉ vùng bụng dưới, bìu, vùng chậu. Cảm giác đau sẽ càng tăng lên nhiều khi quan hệ tình dục.
- Xuất hiện mùi hôi của tinh trùng và tinh dịch. Màu cũng có sự thay đổi, có những trường hợp sẽ lẫn máu hoặc tinh trùng vón cục, tinh dịch loãng hơn bình thường.
- Rối loạn xuất tinh như xuất tinh sớm, xuất tinh ngược dòng.
- Vùng bìu sưng lên và kèm theo đó tinh hoàn sẽ chảy xệ.
Ngay khi nhận thấy có các triệu chứng bất thường, nam giới nên đến cơ sở y tế thăm khám chuyên khoa để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Kỹ thuật chẩn đoán bệnh
Trước khi tiến hành điều trị bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm và kỹ thuật để chẩn đoán bệnh chính xác nhất, cụ thể như:
- Thực hiện xét nghiệm chất nhầy hoặc mủ vào buổi sáng lúc vừa ngủ dậy.
- Làm xét nghiệm tinh dịch đồ để xác định được tình trạng tinh trùng ít hoặc không có tinh trùng.
- Xét nghiệm sinh hóa máu để thấy nồng độ FSH bình thường hay ở mức cao.
- Nhuộm gram soi tìm vi khuẩn.
- Xác định chính xác vi khuẩn gây ra bệnh bằng kỹ thuật nuôi cấy chất nhầy.
- Siêu âm để kết quả chẩn đoán được kết luận chính xác hơn.
Các phương pháp điều trị viêm tắc ống dẫn tinh
Căn cứ vào kết quả chẩn đoán bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng trường hợp người bệnh để có hiệu quả cao nhất.
Theo giảng viên khoa Điều dưỡng Cao Đẳng Y Dược chia sẻ tùy thuộc vào vị trí và mức độ tắc ống dẫn tinh mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật hay các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, cụ thể như:
Trường hợp người bệnh bị tắc ống dẫn tinh trong bìu
Khi nguyên nhân gây tắc ống dẫn tinh trong bìu do bệnh lý hoặc triệt sản nam gây ra thì sẽ cần thực hiện phẫu thuật nối lại ống dẫn tinh. Mức độ thành công của kỹ thuật này cao đạt khoảng 90%.
Trường hợp tắc ống dẫn tinh ở trong bụng, ống xuất nối tinh hoàn và mào tinh
Trên thực tế thì hiện nay y học chưa thể thực hiện được kỹ thuật nối thông nên người bệnh khi mắc tình trạng này sẽ sử dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm. Với biện pháp này tinh trùng sẽ được lấy ra trực tiếp từ tinh hoàn qua kỹ thuật mở TESE hoặc kim hút TESA.
Trường hợp bị tắc ống phóng tinh
Người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi cắt đốt ống phóng tinh. Có khoảng 20 – 30% bệnh nhân sau khi phẫu thuật có thể có tinh trùng trong tinh dịch trở lại và thụ thai tự nhiên.
Phương pháp phẫu thuật này được đánh giá là khó và có thể gây tổn thương bàng quang, ống dẫn tinh và các cơ quan khác cũng sẽ bị liên lụy. Chính vì vậy mà người bệnh nên tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ hoặc có thể chọn lựa thụ tinh trong ống nghiệm để hạn chế tới mức tối đa các biến chứng.
Trường hợp tắc tại mào tinh, tắc bất sản ống dẫn tinh
Bác sĩ sẽ tư vấn cho trường hợp người bệnh này lựa chọn biện pháp sinh con bằng thụ tinh trong ống nghiệm. Trong đó các phương pháp lấy tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm như: hút tinh trùng qua da PESA, trích tinh trùng MESA. Mặc dù vậy tỉ lệ thành công của phương pháp này chiếm khoảng 30% các ca thụ thai.
Ngoài ra còn có biện pháp vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh với ống mào tinh, nếu phẫu thuật thành công thì nam giới có thể có thai tự nhiên và ưu điểm nữa là phương pháp này có hiệu quả kinh tế hơn thụ tinh trong ống nghiệm.
Có rất các biện pháp điều trị tắc ống dẫn tinh, tuy nhiên cùng với quá trình điều trị nhằm nâng cao kết quả điều trị người bệnh cần giữ vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục đều đặn hàng ngày, đặc biệt không quan hệ bừa bãi để tránh nhiễm vi khuẩn gây viêm ống dẫn tinh, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa.
Hy vọng những thông tin ở trên sẽ giúp bạn đọc nắm rõ hơn các thông tin về bệnh tắc ống dẫn tinh, từ đó nam giới sẽ có kiến thức để phát hiện bệnh sớm và có hướng xử trí kịp thời. Tuy nhiên những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không có tác dụng thay thế chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.