Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Bệnh tăng nhãn áp: Cách phòng ngừa và điều trị

Cập nhật: 08/11/2018 15:33 | Nhâm PT

Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa không hồi phục được là bệnh tăng nhãn áp. Ước tính trong gần 40 triệu người mù trên toàn thế giới, có hơn 5 triệu người bị tăng nhãn áp.

Bệnh tăng nhãn áp: Cách phòng ngừa và điều trị

Bệnh tăng nhãn áp là gì?

Nhãn áp là áp lực của thủy dịch gây ra trong nhãn cầu. Tăng nhãn áp (tiếng Anh là bệnh glaucoma) là chứng bệnh về mắt do áp lực thủy dịch trong nhãn cầu tăng cao, tạo áp lực lên mắt, làm tổn hại đến các dây thần kinh thị giác và có thể dẫn đến mù lòa. Ở miền Nam hay gọi bệnh này là cườm nước, còn miền Bắc gọi là thiên đầu thống.

Bệnh tăng nhãn áp được coi là “kẻ trộm thị giác thầm lặng”. Nó sẽ gây tổn thương thị giác rất chậm nên bạn không thể nhận ra sự suy giảm thị lực cho đến khi bệnh đã tiến triển khá nặng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến hơn 50% số người bị tăng nhãn áp ở các nước phát triển không biết mình mắc bệnh. Ở các nước đang phát triển con số này có thể còn lên tới 90%.

Tăng nhãn áp thường xảy ra ở những người ở độ tuổi trên 40 và không thể chữa khỏi được. Tuy nhiên nếu phát hiện và điều trị bệnh sớm thì có thể ngăn cản mù lòa. Nên kiểm tra mắt thường xuyên vì bệnh không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nào.

Bệnh tăng nhãn áp là gì?

Tăng nhãn áp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa

Triệu chứng của bệnh tăng nhãn áp

Bệnh glaucoma được chia thành nhiều dạng:

  • Tăng nhãn áp góc mở: đây là dạng bệnh tăng nhãn áp phổ biến nhất, xảy ra khi hệ thống dẫn của mắt bị dính lại và áp lực bên trong mắt từ từ gia tăng. Nhưng các dấu hiệu không rõ ràng nên rất khó phát hiện bệnh. Thường có các triệu chứng như giảm thị lực khi vào nơi thiếu ánh sáng; nhức đầu, cảm giác nặng mắt khi làm việc nhiều; nhức mắt, đỏ mắt nhẹ; nhìn mờ như sương mù, thấy quầng xanh đỏ khi nhìn vào ánh đèn.
  • Tăng nhãn áp góc đóng cấp tính: dạng này ít gặp hơn, thường gây gia tăng áp lực trong mắt đột ngột. Bệnh nhân sẽ thấy mắt đau đột ngột hoặc dữ dội, nhìn không rõ, cảm giác như có lớp màng mỏng che trước mắt, đôi khi còn cảm thấy buồn nôn.
  • Tăng nhãn áp góc đóng mãn tính: các đường dẫn thoát trong nhãn cầu dần dần bị tắc nghẽn lại, khiến nhãn áp tăng rất chậm và trong thời gian dài nên khó nhận biết các dấu hiệu bệnh từ sớm.
  • Tăng nhãn áp bẩm sinh: gặp ở trẻ sơ sinh và thường do di truyền từ người trong gia đình. Ống dẫn của mắt không phát triển một cách phù hợp, khiến mắt của bé sẽ có một lớp màng mờ, nhạy cảm với ánh sáng…
  • Tăng nhãn áp thứ phát: bệnh xảy ra do biến chứng từ bệnh viêm nhãn cầu hoặc đục thủy tinh thể. Phẫu thuật mắt, khối u, chấn thương ở mắt cũng có thể gây ra bệnh glaucoma. Triệu chứng tương tự như các dạng bên trên.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tăng nhãn áp

Vì bệnh rất khó phát hiện nên các bạn cần lưu ý đến những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp sau:

  • Độ tuổi: bệnh thường xảy ra với người già và trung niên, trên 40 tuổi.
  • Di truyền: tiền sử gia đình nếu có người mắc bệnh tăng nhãn áp thì bạn cũng nên đi kiểm tra thường xuyên, vì bệnh này có tính di truyền.
  • Thuốc: dùng các loại thuốc chứa Corticosteroid trong một khảng thời gian dài.
  • Bị các tật về mắt như cận thị
  • Chấn thương ở mắt hoặc trải qua phẫu thuật mắt…

Tăng nhãn áp ở người già

Tuổi tác là yếu tố chính làm tăng nguy cơ bị tăng nhãn áp

Vậy nhãn áp bao nhiêu là cao? Người ta đo nhãn áp bằng nhãn áp kế Maclakov. Nhãn áp bình thường nằm trong khoảng từ 10 – 21 mmHg. Nếu > 21 mmHg là bạn đang có nguy cơ bị tăng nhãn áp.

Cách điều trị tăng nhãn áp

Tuy bệnh tăng nhãn áp không thể chữa khỏi, nhưng với sự tiến bộ của nền Y học, bạn vẫn có thể duy trì được thị lực bằng các phương pháp sau:

  • Dùng thuốc: Có thể dùng thuốc nhỏ mắt, thuốc hạ nhãn áp dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
  • Phẫu thuật lazer: dùng tia lazer “mở đường” cho thủy dịch chảy ra ngoài dễ dàng hơn, giảm nhãn áp của mắt. Có nhiều dạng phấu thuật lazer tùy theo dạng bệnh như Laser trabeculoplasty, Laser phẫu thuật tròng đen, Laser cyclo-ablation…
  • Phẫu thuật thông thường: tạo ra một đường dẫn mới để dung dịch chảy ra ngoài mắt.
  • Cấy đường dẫn: chèn một ống silicone nhỏ vào trong mắt của bạn để dẫn thoát dịch lỏng dư thừa, giảm nhãn áp cho mắt.

Không có cách nào để phòng ngừa bệnh tăng nhãn áp. Nếu thấy có vấn đề khác lạ xảy ra với mắt, bạn cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để kịp thời phát hiện và chữa trị bệnh. Bên cạnh đó cũng cần có lối sống và sinh hoạt hợp lý, giữ cho đôi mắt khỏe mạnh, tránh gây các tổn thương lên mắt.

Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp!