Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Những điều cần biết về chụp cộng hưởng từ MRI

Cập nhật: 20/12/2021 03:19 | Trần Thị Mai

Chụp cộng hưởng từ MRI là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng hiện đại và hiệu quả nhằm đưa ra hình ảnh rõ nét và cho người bệnh chẩn đoán chính xác. Vậy chụp cộng hưởng từ MRI là gì? Có ý nghĩa như thế nào?...  

Những điều cần biết về chụp cộng hưởng từ MRI

Chụp cộng hưởng từ là gì?

Chụp cộng hưởng từ MRI là kỹ  thuật tạo hình cắt lớp sử dụng sóng từ trường và sóng radio. Các nguyên tử hydrogen trong cơ thể người dưới tác động của từ trường và sóng radio, hấp thu và phóng thích năng lượng RF. Chính quá trình phóng thích này sẽ được máy thu nhận, xử lý và chuyển đổi những tín hiệu thành hình ảnh.

Các hình ảnh được chụp từ cộng hưởng từ MRI có độ tương phản cao, sắc nét, giải phẫu tốt và có khả năng tái tạo 3D mang lại hiệu quả chẩn đoán cho bác sĩ đối với những bệnh lý của bệnh nhân.

Hiệu quả chẩn đoán của MRI trong nhiều trường hợp sẽ tốt hơn nhiều so với siêu âm, chụp cắt lớp CT, chụp X-quang, siêu âm…

Ngoài ra thì chụp cộng hưởng thường được bác sĩ đánh giá cao trong chẩn đoán bệnh vì kỹ thuật này không sử dụng tia xạ, rất an toàn và mang lại hình ảnh 3 chiều, điều này có giá trị vô cùng quan trọng trước khi phẫu thuật.

Chụp cộng hưởng từ MRI được chỉ định khi nào?

Khi cần độ phân giải tương phản mô mềm phải rất chi tiết nhằm đánh giá các bất thương dây thần kinh sọ hoặc tủy sống, tổn thương viêm, chấn thương, hoặc các tổn thương nội khớp… thì phần lớn bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện MRI. Cụ thể chụp cộng hưởng từ MRI thường được chỉ định cho các bộ phận của cơ thể như:

  • Dùng trong chụp sọ não: nhằm phát hiện ra các căn bệnh u não, tai biến mạch máu não, chảy máu não nhồi máu não, dị dạng mạch máu não hoặc phát hiện các dị tật bẩm sinh của não…
  • Chụp hốc mắt để từ đó phát hiện những tổn thương thuộc nhãn cầu, dây thần kinh thị giác, các bệnh liên quan đến mắt, tai mũi họng như u…
  • Chụp vùng cổ để phát hiện các bệnh lý tổn thương như những khối u, viêm hạch bạch huyết vùng cổ. Đặc biệt cộng hưởng từ vùng cổ phát hiện sớm và có các chẩn đoán chính xác tổn thương ở những đám rối thần kinh cánh tay.
  • Chụp cột sống: nhằm chẩn đoán các bệnh lý cột sống, đĩa đệm, dây chằng như thoái hóa, viêm nhiễm đĩa đệm, gãy lún đốt sống… các bệnh lý tủy sống như viêm, u tủy sống, chấn thương.
  • Chụp vùng bụng: khi mắc bệnh lý gan, vùng tiểu khung như ung thư đại trực tràng, u tử cung, lá lách, thận, tuyến thượng thận, ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến… thì sẽ cần sử dụng kỹ thuật MRI để phát hiện sớm bệnh và điều trị.
  • Cơ xương khớp: việc sử dụng MRI trong trường hợp này sẽ cho hình ảnh rõ nét các cấu trúc ổ khớp, sụn khớp, xương, gân cơ và dây chằng…
  • Tuyến vú: cho chẩn đoán sớm và chính xác các tổn thương ở tuyến vú như u lành tính, ác tính và các viêm nhiễm tại vú.

Ngoài ra kỹ thuật MRI có giá trị quan trọng trong việc chẩn đoán được những bất thường của thai nhi, phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh phức tạp. Đặc biệt đối với những trường hợp gặp khó khăn trong việc sử dụng siêu âm để chẩn đoán thì sẽ được bác sĩ chỉ định dùng phương pháp MRI.

MRI
Người bệnh được chỉ định thực hiện kỹ thuật MRI cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế

Ưu, nhược điểm của kỹ thuật chụp MRI

Ưu điểm của MRI

Hình ảnh cấu trúc các mô mềm trong cơ thể như não, tim, gan, thận… khi được chụp bằng kỹ thuật MRI sẽ cho kết quả rõ nét hơn  nhiều so với các phương pháp khác.

Hình ảnh từ MRI sẽ giúp bác sĩ căn cứ từ đó và đánh giá được các chức năng hoạt động cũng như cấu trúc của nhiều cơ quan nội tạng trong cơ thể.

Nhờ vào các hình ảnh vô cùng chi tiết thì MRI đã được đánh giá cao trong những chẩn đoán thời kỳ đầu và trong việc đánh giá các khối u ở bên trong của cơ thể.

Không gây ra tác dụng phụ cho người bệnh khi tạo ảnh như các kỹ thuật khác (chụp X-quang thường quy và chụp CT).

MRI giúp phát hiện các điểm bất thường ẩn sau những lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác gặp vấn đề khó khăn khi nhận ra.

Cung cấp được nhiều thông tin có giá trị hơn so với tia X trong việc chẩn đoán các bệnh về tim mạch.

Kỹ thuật MRI sẽ không phát hiện ra các bức xạ gây nguy hiểm cho con người.

Nhược điểm của MRI

Chi phí để thực hiện kỹ thuật MRI tương đối cao và thời gian chụp lâu hơn kỹ thuật CT, không phải cơ sở y tế nào cũng được trang bị.

Những trường hợp mắc hội chứng sợ không gian hẹp sẽ rất sợ mỗi khi tiến hành chụp hình ảnh.

Phản ứng với chất cản quang.

Kỹ thuật MRI chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp bệnh nhân có cấy ghép các vật liệu kim loại.

Quy trình chụp cộng hưởng từ MRI

Khi bác sĩ chỉ định người bệnh thực hiện chụp cộng hưởng từ MRI thì sẽ cần di chuyển đến khoa chẩn đoán hình ảnh và sau đó nhân viên y tế hướng dẫn thay đồ, tháo các vật dụng kim loại ở trên người để đảm bảo tối đa an toàn trong khi chụp cộng hưởng từ. Tiếp đến sẽ được nhân viên hướng dẫn nằm ở tư thế thoải mái với bộ phận chụp.

Tùy thuộc vào bộ phận cần chẩn đoán bệnh mà thời gian chụp cộng hưởng từ sẽ dao động trong khoảng từ 15 – 60 phút. Máy MRI trong thời gian chụp tạo ra các loại âm thanh, tiếng ồn, khi được trang bị công nghệ càng cao thì âm thanh càng được tối giản nhiều hơn và ít gây khó chịu hơn cho người bệnh.

Tuy nhiên ở những vùng cần chụp mà người bệnh có thể được yêu cầu nín thở để thời gian chụp kết thúc nhanh chóng mà sẽ không gây ra khó chịu cho người bệnh.

Cũng có những trường hợp người bệnh cần phải tiêm thuốc tương phản từ nhân viên phòng cộng hưởng từ sẽ  đặt một kim nhỏ vào ven ở vùng khuỷu tay và sẽ rút ki khi kết thúc thăm khám.

Nếu đối tượng chụp là em bé thì cần gây mê để bé nằm ngủ suốt quá trình chụp và trẻ tỉnh lại sau khi kết thúc quá trình chụp. Trước đó các bậc phụ huynh cần để bé nhịn ăn 6 tiếng trước khi chụp.

Bài viết ở trên được giảng viên khoa Dược Cao đẳng Y Dược Sài Gòn chia sẻ các thông tin chụp Cộng hưởng từ MRI, nếu bạn đọc có bất cứ thắc  mắc nào hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận được thông tin giải đáp chi tiết. Hy vọng bạn đọc thường xuyên ghé thăm chuyên mục này để cập nhật nhiều bài viết hữu ích khác về sức khỏe.