Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Dư luận bức xúc về chương trình sách giáo khoa mới: Lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói gì?

Cập nhật: 22/10/2020 15:12 | Trần Thị Mai

Trước ý kiến của phụ huynh cho rằng, chương trình mới nặng, nhanh, cả giáo viên và học sinh đều vất vả, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã lên tiếng.

Dư luận bức xúc về chương trình sách giáo khoa mới: Lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói gì?

Trước yêu cầu của Bộ GD&ĐT về việc việc rà soát, báo cáo nội dung sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên để hội đồng thẩm định cũ rà soát, thẩm định mà nên thành lập một hội đồng thẩm định độc lập khác.

Về chất lượng sách giáo khoa lớp 1, theo GS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới đáng lẽ ra phải đưa vào thực nghiệm ít nhất 1 năm trước khi đưa vào giảng dạy phổ cập. Trong quá trình thí điểm nếu thấy chưa phù hợp sẽ điều chỉnh, bổ sung. Trong trường hợp xấu là sách cần phải chỉnh sửa, bổ sung thì cũng chỉ ảnh hưởng trong 1 phạm vi nhỏ.

Theo GS. Trần Xuân Nhĩ, Bộ GD&ĐT cần sớm điều chỉnh cho phù hợp. Việc dừng lại hay thay thế sách giáo khoa ở thời điểm này là không phù hợp vì ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của học sinh.

“Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải chịu trách nhiệm chính và cần phải có những động thái nhất định để sửa chữa, khắc phục”, GS. Trần Xuân Nhĩ nói.

Về chương trình và sách giáo khoa mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Chương trình không tăng về lượng kiến thức, chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt vào cuối năm học.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lý giải, sách giáo khoa không biên soạn theo bài, theo tiết có sẵn như trước đây mà biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức; giao cho giáo viên, nhà trường nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, đặc điểm của học sinh tại trường của mình để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đối tượng.

“Cùng một chủ đề trong sách giáo khoa nhưng tùy vào đối tượng học sinh mà trường này có thể dạy 2 tiết, nhưng trường khác có thể dạy 3, 4 tiết”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

sgk-1
Bộ sách này đang gây ra rất nhiều bức xúc trong dư luận

Trước ý kiến của phụ huynh cho rằng chương trình mới nặng, nhanh, cả giáo viên và học sinh đều vất vả, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định: Thực tế tổng số tiết học môn Tiếng Việt cho cả cấp tiểu học trong chương trình năm 2000 và chương trình mới không thay đổi.

Tuy nhiên, số tiết cho lớp 1 và lớp 2 trong chương trình mới có tăng (2 tiết/tuần cho lớp 1 và 1 tiết/tuần cho lớp 2) so với chương trình 2000; ngược lại số tiết cho lớp 3, 4, 5 trong chương trình mới lại giảm.

Việc tăng số tiết cho lớp 1 và 2 (các lớp đầu cấp tiểu học) nhằm giúp học sinh phát triển kỹ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, nhờ đó có được công cụ để học tốt các môn học khác.

Về nội dung kiến thức, theo Thứ trưởng, chương trình mới có phần giảm nhẹ hơn so với chương trình năm 2000, tăng tiết đối với lớp 1, lớp 2 là để giảm tải, chứ không phải tăng tải, giúp các em học sinh học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần mới biết đọc, biết viết.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, trước đây, chương trình năm 2000 chỉ được thực hiện trong phạm vi 350 tiết/năm, trung bình 10 tiết/tuần; còn chương trình năm mới được thực hiện đến 420 tiết/năm, tăng thêm 2 tiết để giáo viên, học sinh đỡ vất vả hơn.

Riêng với phản ánh của dư luận về bộ sách Cánh Diều có nhiều “sạn” theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ đã nắm bắt thông tin, phân tích tình hình, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra các giải pháp để khắc phục và thực hiện truyền thông rộng rãi.

Để giải quyết những bức xúc vừa qua của dư luận, theo ông Độ, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả, đúng quy định, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.

"Với sách giáo khoa, để xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn khi sử dụng trong giảng dạy và có phương án khắc phục khi phát hiện lỗi, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà xuất bản, các tác giả viết sách giáo khoa thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và giáo viên khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thông tin.

Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và tổng hợp