Tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Vật lý Mỹ ở Seattle diễn ra mới đây, các nhà khoa học đến từ Đại học Cornell đã công bố kết quả một nghiên cứu khiến không ít bậc cha mẹ giật mình. Trẻ nhỏ vốn dĩ hiếu động và thường rất thích bơi lội, chơi đùa với nước. Sau khi tham gia các hoạt động này, nước sẽ đọng trong tai của trẻ và khiến trẻ có cảm giác ù tai, khó chịu. Vì vậy, trẻ thường có phản ứng một cách bản năng là cố gắng lắc đầu mạnh để nước chảy ra ngoài.
Nước sẽ đọng trong tai của trẻ và khiến trẻ có cảm giác ù tai, khó chịu, từ đó cố gắng lắc đầu mạnh để nước chảy ra ngoài
Có nhiều cách để loại bỏ nước khỏi tai như thấm bằng khăn mềm, nghiêng đầu cho nước trong tai chảy ra. Tuy nhiên, một số người chọn cách rất nguy hiểm là lắc mạnh đầu sang hai bên. Hành động này đối với người lớn sẽ không ảnh hưởng do ống tai to, nước dễ văng ra ngoài.
Nhưng đối với trẻ nhỏ thì nguy hiểm do ống tai nhỏ, cần một lực gia tốc mạnh và nhanh mới có thể khiến loại bỏ hết nước bên trong. Điều này có thể gây tổn thương não.
Đây là hành động có thể gây nguy hiểm cho bộ não của trẻ. Tai vốn dĩ có cấu trúc phức tạp với nhiều ống và vách nhỏ, để đẩy được những hạt nước bên trong ống tai trẻ cần phải dùng lực để lắc rất mạnh, khiến não bộ bị tổn thương. Theo các nhà khoa học, lực gia tốc để đẩy nước khỏi ống tai lớn gấp 10 lần mức cho phép so kích thước tai của trẻ nhỏ, hành động lắc đầu đẩy nước ra ngoài có thể khiến não trẻ bị tổn thương. Não trẻ có thể bị sưng hoặc bị tổn thương khi bị va đập bên trong hộp sọ và đây là nguyên nhân gây chấn thương não, có thể để lại hậu quả vĩnh viễn cho trẻ.
Nghiên cứu mới này chủ yếu tập trung tìm hiểu về lực gia tốc cần thiết để đưa nước ra khỏi ống tai. Để đưa ra kết quả này, các nhà nghiên cứu đã thực nghiệm trên mô hình được thiết kế y như tai thật. Và để phá vỡ sức căng bề mặt, đẩy được hạt nước ra bên ngoài thì phải cần dùng đến một lực khá lớn. Mức độ tổn thương não bộ càng nghiêm trọng hơn đối với trẻ nhỏ, bởi cùng một thể tích nước trong tai nhưng ống tai của trẻ hẹp và nhỏ hơn nên chúng cần lực gia tốc lớn hơn mới có thể đánh bật nước bị mắc kẹt.
Các nhà khoa học cũng khuyến cáo cha mẹ nên hướng dẫn con thay vì lắc đầu mạnh, hãy sử dụng các biện pháp khác an toàn hơn. Chẳng hạn cách đơn giản như nằm nghiêng hoặc lắc lư dái tai của trẻ để nước chảy ra ngoài.
Tác giả Anuj Baskota, thành viên nhóm nghiên cứu giải thích thêm rằng sức căng bề mặt của chất lỏng là một trong những yếu tố quan trọng khiến cho nước bị mắc kẹt trong ống tai. Do đó, nếu nhỏ một vài giọt chất lỏng có sức căng bề mặt thấp hơn nước, như rượu hoặc giấm, vào tai sẽ làm giảm lực căng bề mặt, từ đó cho phép nước chảy ra ngoài dễ dàng hơn.
Nước đọng lại trong tai có thể dẫn đến tình trạng viêm tai. Viêm tai ở trẻ nhỏ là một bệnh nhiễm trùng trong ống tai thường do nước bị mắc kẹt bên trong.
Nước tạo ra một môi trường ẩm ướt bên trong tai, khiến cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển thành nhiễm trùng.
Các triệu chứng ban đầu có thể như ngứa và đỏ nhẹ, sau cũng có thể tiến triển thành đau ở tai và quanh đầu, tắc nghẽn ống tủy, rò rỉ dịch tai và các tuyến bị sưng ở cổ.
Tình trạng viêm tai ở trẻ nhỏ có thể được điều trị bằng thuốc nhỏ tai. Nếu không được điều trị dứt điểm, tình trạng này có thể dẫn đến mất thính giác hoặc tổn thương xương và sụn của trẻ.
Nguồn: Dailymail
Theo Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp