Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Chế độ phụ cấp trực ngành y tế theo quy định mới nhất

Cập nhật: 27/05/2020 11:28 | Trần Thị Mai

So với các ngành nghề khác thì ngành y có đặc thù  khác biệt là các cán bộ công nhân viên trong ngành đều cần thực hiện quy định trực của bệnh viện. Vậy khi các y bác sĩ thực hiện ca trực thì sẽ được hưởng quyền lợi và chế độ phụ cấp như thế nào? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có lời giải đáp chi tiết cho thắc mắc trên nhé!

Chế độ phụ cấp trực ngành y tế theo quy định mới nhất

Quy định trực bệnh viện là chế độ thường trực ngoài giờ hành chính, ngày lễ, ngày nghỉ được bệnh viên tổ chức để bảo đảm liên tục 24 giờ nhằm kịp thời cấp cứu cho những trường hợp khẩn cấp, đồng thời chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.

Những người được phân công trực cần phải có mặt  đầy đủ, đúng giờ để nhận bàn giao của phiên trực trước và khi hết giờ bàn giao cho phiên thường trực sau. Tuyệt đối không được rời bỏ vị trí thường trực mà cần phải thực hiện theo đúng chỉ định của lãnh đạo cấp trên. Người được phân công trực chính là người phải có trình độ chuyên môn cao và có thể độc lập giải quyết các công việc xảy ra. Còn các bác sĩ đang trong thời gian  thực tập sẽ không được phân công trực chính.

1. Quy tắc trực bệnh viện

Thủ trưởng trong cơ sở khám chữa bệnh thì sẽ là người có trách nhiệm, quyền hạn phân công và bố trí nhân lực cho các ca trực. Thủ trường ở đây có thể là Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc trung tâm chữa bệnh bắt buộc, Giám đốc trung tâm điều dưỡng, trưởng khoa, trưởng trạm y tế…

Họ là người trực tiếp nắm bắt, xem xét tình hình thực tế để tiến hành phân công công việc  theo ca. Cũng có những trường hợp thiếu hụt nguồn nhân lực, không có đủ người để bố trí theo ca hoặc làm thêm giờ lúc này thủ trưởng sẽ tiến hành kế hoạch  bố trí cán bộ, y bác sĩ hoặc người lao động trực 24/24h.

Những khoa như cấp cứu, khoa hồi sức cấp cứu, khoa hồi sức sơ sinh, khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, khoa chống độc, khu vực chăm sóc bệnh nhân tâm thần, khoa chăm sóc trẻ sơ sinh… thì thủ trưởng cần bố trí người lao động để đảm bảo nguồn nhân lực kịp thời đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Cụ thể phân công ngày làm việc 3 ca, mỗi ca làm việc 8 tiếng; ngày làm việc gồm 2 ca, 1 ca làm việc theo giờ hành chính 8 tiếng, 1 ca làm việc 16 giờ, hoặc có thể 2 ca mỗi ca làm việc 12 giờ.

Định mức nhân lực tại các phiên trực

Số lượng nhân lực ở mỗi ca trực sẽ khác nhau do tùy thuộc vào từng cơ sở khám chữa bệnh. Cụ thể như:

Tại các cơ sở khám chữa bệnh có giường bệnh

  • Đối với các bệnh viện đặc biệt, bệnh viện hạng 1 thì cần  đảm bảo số người trực là 14 người/ phiên trực/ 100 giường bệnh.
  • Đối với các bệnh viện hạng 2, 3 thì cần đảm bảo số người trực là 13 người/ phiên trực/ 100 giường bệnh.
  • Đối với các bệnh viện hạng 4 thì cần đảm bảo số người trực là 12 người/ phiên trực/ 100 giường bệnh.
  • Trường hợp các bệnh viện có quy mô từ 70 – 100 giường bệnh thì cần bố trí 11 người/ 1 phiên trực.
  • Trường hợp các bệnh viện có quy mô ít hơn 70 – 100 giường bệnh thì cần bố trí 10 người/ 1 phiên trực.
  • Trường hợp bệnh viện quá tải thì thủ trưởng đơn vị có thể phân công số người trong ca trực đó cao hơn tuy nhiên số lượng tối đa không vượt quá tỷ lệ vượt mức của bệnh viện.

Quy chế thường trực tại trạm y tế xã

  • Số người trực tại trạn y tế xã có thể được phân công từ 1 – 2 người.
  • Trong trường hợp khẩn cấp cần di chuyển người bệnh lên tuyến trên thì cần phải có một nhân viên y tế tại trạm đi cùng. Trưởng trạm y tế có thể bố trí thêm người trực nếu không đủ số lượng người đáp ứng công việc.

Tại các bệnh xá quân dân y

  • Nếu bệnh xá quân dân y có quy mô dưới 10 giường bệnh thì có thể phân công 2 người/ phiên trực.
  • Nếu bệnh xá quân dân y có quy mô dưới 10 - 20 giường bệnh thì có thể phân công 3 người/ phiên trực.
  • Nếu bệnh xá quân dân y có quy mô dưới trên 20 giường bệnh thì có thể phân công 5 người/ phiên trực.

Tại các cơ sở chữa bệnh

Những cơ sở khám chữa bệnh là được thành lập theo quy định về xử phạt hành chính như cơ sở cai nghiện bắt buộc, chữa bệnh bắt buộc, cơ sở điều dưỡng người khuyết tật, thương binh….

  • Các cơ sở chữa bệnh hạng 1 thì tối đa là 24 người/ phiên trực.
  • Các cơ sở chữa bệnh hạng 2 thì tối đa là 16 người/ phiên trực.
  • Các cơ sở chữa bệnh hạng 3 thì tối đa là 10 người/ phiên trực.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp cần huy động nguồn nhân lực để tham gia chống dịch bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh thì cần có người trực 24/24h để nhằm đáp ứng nhanh chóng công tác khám, chữa bệnh cũng như trong phòng và chữa bệnh.

>>> Tham khảo: Đơn xin việc ngành Y để giúp bạn hoàn thành hồ sơ xin việc một cách chi tiết và đầy đủ nhất

quy-dinh-truc-tai-benh-vien
Các bác sĩ trực tại bệnh viện sẽ giúp giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra ngoài giờ hành chính

2. Chế độ nghỉ trực thai sản Ngành Y tế

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 155 Bộ luật lao động 2012:

"Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ

  1. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:
  2. a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
  3. b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi".

Như vậy, theo đúng như quy định trên, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì bạn sẽ không phải làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ hay đi công tác xa.

3. Chế độ phụ cấp trực ngành y tế

Chế độ phụ cấp của y, bác sĩ, cán bộ y tế trong ca thường trực được chi trả như sau:

* Mức trợ cấp thường trực

– Đối với người lao động thường trực 24/24 giờ:

  • Bác sĩ, y tá thường trực tại các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: Được hưởng mức phụ cấp là 115 ngàn đồng/1 người/1 phiên trực.
  • Bác sĩ, y tá thường trực tại các bệnh viện hạng II: Được hưởng mức phụ cấp là 90 ngàn đồng/1 người/1 phiên trực.
  • Bác sĩ, y tá thường trực tại các bệnh viện hạng III, hạng IV và các cơ sở khác tương đương: Được hưởng mức phụ cấp là 65 ngàn đồng/1 người/1 phiên trực.
  • Bác sĩ, y tá thường trực tại các trạm y tế xã, trạm y tế, bệnh xá quân dân y: Được hưởng mức phụ cấp là 65 ngàn đồng/1 người/1 phiên trực.

– Đối với người lao động thường trực làm việc theo ca 12/24 giờ: Được hưởng mức phụ cấp được bằng 1/2 (0.5 lần) so với mức phụ cấp khi trực ca 24/24 giờ.

– Đối với người lao động thường trực làm việc theo ca 16/24 giờ: Được hưởng được tính bằng 0.75 lần so với mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ.

Đối với những bác sĩ, y tá là người làm việc trong khu hồi sức cấp cứu, khu vực chăm sóc đặc biệt thì mức phụ cấp sẽ được tính bằng 1.5 lần so với mức phụ cấp ở trên.Trường hợp trực ca vào các ngày nghỉ trong tuần thì mức phụ cấp được hưởng tính bằng 1.3 lần theo mức quy định. Trường hợp trực ca trong những ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết thì mức trợ cấp là 1.8 lần mức quy định.

quy-dinh-truc-trong-benh-vien
Chế độ phụ cấp của y, bác sĩ, cán bộ y tế trong ca thường trực được chi trả theo quy định

>>> Xem thêm: Kỹ năng ứng xử ngành Y tế sẽ giúp bạn giao tiếp có hiệu quả hơn với người bệnh

– Những Bác sĩ, y tá làm việc trong cơ sở chữa bệnh được thành lập theo quy định về xử lý vi phạm hành chính và cơ sở điều dưỡng người khuyết tật, thương binh, bệnh binh thì mức phụ cấp được tính như sau:

  • Mức phụ cấp thường trực vào ngày thường ở các khu vực thông thường:
  • Đối với cơ sở được xếp hạng I: được hưởng mức phụ cấp là 90 ngàn đồng.
  • Đối với cơ sở được xếp hạng II và hạng III: được hưởng mức phụ cấp là 65 ngàn đồng.
  • Mức phụ cấp thường trực vào ngày thường ở các khu vực phục hồi sức khỏe, điều trị cắt cơn, giải độc hoặc khu vực cách ly bệnh truyền nhiễm thì bằng 1,5 lần mức phụ cấp trên.

* Chế độ bồi dưỡng khác

Chế độ hỗ trợ tiền ăn: Những bác sĩ, y tá công tác thường trực 24/24h thì còn được hỗ trợ tiền ăn là 15 ngàn đồng/1 người/1 phiên trực.

– Chế độ nghỉ bù: những bác sĩ, y tá đã tham gia ca thường trực thì được nghỉ bù và được hưởng nguyên lương sau khi tham gia ca trực, chế độ cụ thể như sau:

  • Đối với  người trực ca 24/24 giờ vào ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần được nghỉ bù 01 ngày;vào các ngày lễ, Tết được nghỉ bù 02 ngày;
  • Đối với người thường trực theo ca 12/24 giờ hoặc ca 16/24 giờ được nghỉ ít nhất 12 giờ tiếp theo.

Nếu làm thêm vào ca đêm thì được trả tiền lương làm việc vào ban đêm. Đó là trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh huy động người lao động làm việc vào giờ nghỉ trên thì phải trả tiền lương làm thêm giờ. 

Trên đây là bài viết của Trường Cao Đẳng Dược chia sẻ về vấn đề: “Chế độ phụ cấp trực ngành y tế theo quy định mới nhất”. Tuy nhiên những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, nếu bạn đọc có thắc mắc hãy tiếp tục theo dõi các bài viết tiếp theo cùng chuyên mục của chúng tôi để được giải đáp.