Được biết, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và huyết áp đã 20 năm. Tuy nhiên, bệnh nhân không đi khám mà tự mua thuốc tiểu đường dạng viên bột về nhà uống.
Bác sĩ Nguyễn Viết Nam, Khoa Cấp cứu cho biết: Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng tụt huyết áp, suy đa tạng kèm theo suy thận. Bệnh nhân còn gặp tình trạng toan chuyển hóa, kích thích rất nặng, mạch rời rạc, nguy cơ ngừng tim.
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu đã tiến hành đặt ống nội khí quản, dùng thuốc vận mạch, bù dịch và lọc máu cho bệnh nhân. Sau 3 ngày tiến hành lọc máu, xu hướng huyết động của bệnh nhân cũng cải thiện hơn.
Hiện bệnh nhân đã cắt được thuốc vận mạch, dừng lọc máu, các toan chuyển hóa, toan lactic đã cơ bản ổn định.
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Nam, loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng có 1 gói là thuốc paracetamol, 1 gói là phenformin điều trị tiểu đường bị cấm từ lâu.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Viết Nam, thông thường ngộ độc do phenformin sẽ gây tỷ lệ tử vong rất cao, từ 50-60% trở lên. Thuốc này ngoài gây tụt đường huyết còn gây tác dụng phụ toan lactic, suy thận rất nặng.
Phenformin là một hoạt chất giúp hạ đường huyết nhưng gây nhiều tác dụng phụ và nguy hiểm chết người nên đã bị cấm sử dụng từ những năm 1970. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều người đã trà trộn, mạo danh thuốc đông y để bán ra thị trường.
Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể kiểm soát và hạn chế tối thiểu các biến chứng của nó nếu bệnh nhân được tuân thủ một liệu trình điều trị, theo dõi liên tục, đúng đắn, phối hợp với một chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
Các bác sĩ khuyến cáo: Bệnh nhân đái tháo đường không nên tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần vì có thể thuốc đã được trộn các chất cấm, có hại cho cơ thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và đáng tiếc.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và tổng hợp