Trong cuộc họp báo ngày 6-3, Giám đốc Chương trình Y tế Khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan cảnh báo thế giới đừng kỳ vọng COVID-19 sẽ tự hết vào mùa hè, theo đài CNBC.
Theo ông, giới chuyên gia hiện vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn cơ chế hoạt động và khả năng lây lan của COVID-19 "dưới các điều kiện thời tiết khác nhau", do đó chưa có dữ liệu để khẳng định virus sẽ tự hết khi mùa hè đến.
"Chúng ta phải luôn cảnh giác rằng dịch sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới. Việc cho rằng COVID-19 sẽ tự mất như cúm mùa hoàn toàn là một hy vọng viển vông" - ông Ryan nhấn mạnh.
Theo ông Ryan, nhìn chung chính phủ các nước vẫn nên cẩn trọng trong mọi động thái liên quan đến phòng ngừa COVID-19, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu các phương pháp điều trị mới và vaccine phòng bệnh.
Nhiều chuyên gia cũng tỏ ra đồng tình với phát biểu của Giám đốc Ryan và đều cảnh báo không được chủ quan trông chờ ngày hết dịch, theo tờ South China Morning Post.
GS Marc Lipsitch thuộc ĐH Harvard (Mỹ) cho biết quan điểm dự đoán ngày tàn dịch đã có tiền lệ từ trước. Cụ thể, dịch SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) khi bắt đầu lây lan hồi năm 2002 cũng từng được dự đoán sẽ biến mất vào mùa hè cùng năm, nhưng phải mãi đến cuối năm 2003 thì virus mới được kiểm soát.
"Tôi cho rằng "biến mất" là một từ dở tệ đã được dùng để mô tả những gì xảy ra với dịch SARS. SARS được kiểm soát nhờ những nỗ lực y tế cộng đồng mạnh mẽ, can đảm chưa từng thấy ở thời hiện đại. Chưa có dịch bệnh nào tự biến mất được" - ông Lipsitch nói.
Với nhận định trên, giới chuyên gia khẳng định cách các quốc gia đối phó với COVID-19 như thế nào có tác động rất lớn đến thời gian tồn tại của dịch bệnh.
GS Emily Chan Ying-yang thuộc ĐH Trung Quốc (Hong Kong) cho biết dù chưa rõ dịch bệnh COVID-19 có xuất hiện thêm về sau hay không nhưng những khác biệt về pháp lý, chính sách và hành vi của con người trên toàn cầu sẽ tạo điều kiện cho dịch kéo dài.
Ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách ở ĐH Minnesota (Mỹ), cũng nhận định cách virus lây trong cộng đồng cho thấy nhiều khả năng dịch bệnh sẽ kéo dài trong một thời gian nữa vì có đủ vật chủ cho virus bám vào.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, virus trở nên yếu hơn sau khi thích nghi với vật chủ là con người.
"Có những thay đổi tinh vi trong cách virus thích nghi với vật chủ mới, xảy ra trong khoảng vài tháng, sau khi virus trải qua nhiều thế hệ ký sinh ở người, nó có những thay đổi. Khi thích nghi, cách lây nhiễm sang tế bào và lan truyền của nó có thể tốt hơn hoặc dễ lây hơn nhưng ít độc hơn" - ông Osterholm nói.
Trong khi đó, chuyên gia Amesh Adalja từ ĐH Johns Hopkins (Mỹ) bình luận nhiều khả năng COVID-19 sẽ thành bệnh thường như cảm cúm ở một số khu vực và nhóm dân số. Tệ hơn, thế giới có thể phải trải qua năm mùa dịch COVID-19 mới có thể phát triển thành công vaccine.
Nguồn: Pháp luật
Theo trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp