Nguyên nhân và các triệu chứng nhận biết cơn đau quặn thận
Đa phần các cơn đau quặn thận sẽ có liên quan đến sỏi thận. Hoặc huyết khối trong niệu quản, khối u chèn ép niệu quản từ bên ngoài… các hiện tượng này dẫn đến tắc đường tiểu cấp tính làm ứ nước và căng trướng đài bể thận. Chính sự căng trướng này tạo ra các cơn đau quặn thận.
Ở bất cứ vị trí nào trong đường tiết niệu cũng có thể xuất hiện sỏi. Do các khoáng chất như canxi, axit uric gắn kết vào nước tiểu và tạo ra những tinh thể cứng. Các viên sỏi sẽ có kích thước to nhỏ khác nhau và khi phát triển quá lớn sẽ gây ra các cơn đau nhiều.
Việc lạm dụng một số loại thuốc sẽ gây ra tác dụng phụ và ảnh hưởng đến mô thận, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các cơn đau quặn thận.
Người bệnh có tiền sử các khối u, u thận, u bàng quang, suy thận giai đoạn cuối, u đa nang…. Cũng có thể gây ra các cơn đau quặn thận.
Bên cạnh đó còn có các yếu tố khác làm gia tăng nguy cơ mắc những cơn đau quặn thận bao gồm:
- Chế độ dinh dưỡng không phù hợp, thường xuyên dung nạp thực phẩm có nhiều chất tạo sỏi như oxalate hoặc protein.
- Trọng lượng cơ thể quá lớn dẫn đến béo phì.
- Trước đó đã từng phẫu thuật và làm tăng khả năng hấp thụ canxi và các chất khác gây ra sỏi.
- Mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Các cơn đau chủ yếu xuất phát từ thận, có thể xuất hiện đột ngột hoặc những cơn đau nhẹ vùng lưng hông.
Triệu chứng nhận biết của cơn đau quặn thận
Tùy vào cấp độ đau mà sẽ có các triệu chứng khác nhau, hiện nay có 2 cấp độ đau là đau cấp tính và đau mãn tính, cụ thể như sau:
- Đau cấp tính
- Các cơn đau ở dạng này sẽ xuất hiện đột ngột và đầu tiên sẽ thấy đau nhất ở vùng thắt lưng.
- Mức độ đau dần tăng lên và lan rộng xuống vùng phía dưới.
- Cơn đau dữ dội hơn nếu khi người bệnh lao động, di chuyển.
- Đau mạn tính
- Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt.
- Có cảm giác đau ở vùng thắt lưng, đau cả 1 bên hoặc cả 2 bên. Cơn đau kéo trong khoảng thời gian từ 20 – 60 phút sẽ có dấu hiệu thuyên giảm trước khi tiếp tục đau những đợt tiếp theo.
- Xuất hiện máu trong nước tiểu: do sỏi có thể gây đái máu vi thể nên khi vận động mạnh sẽ gây đái máu đại thể hoặc nước tiểu sẽ có màu hồng hồng.
- Đi tiểu nhiều lần trong một ngày.
- Nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ gây sốt hoặc rét run.
- Các triệu chứng khác có thể xảy ra như đái buốt, đái rắt, hơi thở hôi có vị kim loại trong miệng…
Vì các triệu chứng này sẽ giống với nhiều bệnh lý khác nên người bệnh rất dễ bị nhầm lẫn. Tốt nhất ngay khi có các dấu hiệu bất thường của cơ thể thì hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị để hạn chế tới mức tối đa các biến chứng có thể xảy ra như:
- Thận phát triển với kích thước to quá mức kèm theo sốt.
- Vô niệu.
- Nhiễm khuẩn huyết với các trường hợp phát hiện muộn.
Kỹ thuật chẩn đoán các cơn đau quặn thận
Một số kỹ thuật thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định người bệnh thực hiện để đưa ra kết quả chính xác cơn đau quặn thận như:
- Sử dụng tia X-quang để chẩn đoán hình ảnh: Kỹ thuật này sẽ cho hình ảnh rõ nét và có thể phát hiện được sỏi cản quang. Tuy nhiên không nên sử dụng tia X-quang cho phụ nữ có thai hoặc những người đang trong độ tuổi sinh con.
- Dùng kỹ thuật siêu âm hệ tiết niệu: kỹ thuật này khá an toàn với nhiều đối tượng, tuy nhiên nếu sỏi với kích thước quá bé sẽ không thể nhìn thấy rõ khi dùng kỹ thuật này.
- CT hệ tiết niệu không cản quang: cách chẩn đoán hình ảnh này có thể thay thế cho cả kỹ thuật X-quang và siêu âm để đưa ra kết quả chính xác vị trí, kích thước của sỏi.
- Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích nước tiểu theo đúng quy trình đã được quy định xem có thấy tiểu hồng cầu.
Cách điều trị cơn đau quặn thận
Các cơn đau do bệnh này gây ra sẽ gây phiền toái và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như cuộc sống sinh hoạt của người bệnh, do đó hãy thực hiện một số giải pháp dưới đây để làm giảm nhanh chóng các triệu chứng khó chịu như:
- Dùng thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau để giúp giảm nhanh chóng các cơn đau, hoặc dùng thuốc kháng sinh nếu trường hợp người bệnh bị nhiễm trùng.
- Chườm ấm: Sử dụng túi chườm ấm hoặc chai có đựng nước ấm lên vùng đau để giảm đau, tuy nhiên không nên dùng nước quá nóng vì có thể gây bỏng.
- Dùng các phương pháp để điều trị tận gốc nguyên nhân gây ra các cơn đau quặn thận.
- Nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được xử lý nhanh chóng, kịp thời.
Hiện nay có nhiều thủ thuật thường được chỉ định để loại bỏ sỏi lớn và giảm các cơn đau như:
- Nội tán sỏi niệu quản: thực hiện bằng cách gắn máy ảnh và một ống mỏng chuyên dụng để đưa vào đường tiết niệu nhằm xác định vị trí sỏi và loại bỏ nó.
- Bắn sỏi thận qua da: trước đó toàn thân người bệnh sẽ cần được gây mê và xâm nhập vào thận thông qua một vết cắt nhỏ ở phía sau và tiến hành dùng một ống chiếu sáng và các dụng cụ nhỏ để loại bỏ sỏi.
- Đặt stent: dùng một ống mỏng chuyên dụng đặt vào niệu quản để làm giảm nhanh chóng tắc nghẽn và đẩy nhanh quá trình thúc đẩy sỏi đi qua.
- Phẫu thuật mở: do kích thước của sỏi quá lớn không thể dùng các biện pháp can thiệp ở trên. Tuy nhiên đối với cách này sẽ cần thời gian hồi phục lâu hơn rất nhiều. Ban đầu các bác sĩ sẽ thực hiện tán nhỏ hoặc phá vỡ các viên sỏi để chúng thoát được ra ngoài nước tiểu trước khi cân nhắc phẫu thuật mở.
Theo các bác sĩ đang trực tiếp giảng dạy tại trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn chia sẻ thì để bảo vệ sức khỏe nói chung và phát hiện sớm dấu hiệu của cơn đau quặn thận nói riêng thì bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa để được điều trị kịp thời. Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo nên các bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp chính xác, cụ thể.