Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Dấu hiệu nhận biết bệnh nhịp xoang nhanh và cách điều trị hiệu quả

Cập nhật: 08/06/2021 11:48 | Trần Thị Mai

Bệnh nhịp xoang nhanh là gì? Nguyên nhân nào gây ra bệnh? Triệu chứng nhận biết nhịp xoang nhanh ra sao? Có cách nào để điều trị bệnh không?... Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để nắm rõ hơn các thông tin về bệnh nhịp xoang nhanh.  

Dấu hiệu nhận biết bệnh nhịp xoang nhanh và cách điều trị hiệu quả

Nguyên nhân gây ra bệnh nhịp xoang nhanh là gì?

Nhịp xoang hay còn gọi là nhịp tim và được điều khiển bởi nút xoang nằm ở thành của tâm nhĩ phải – buồng tim phía trên bên phải. Nút xoang chính là máy phát nhịp tự nhiên của cơ thể nhằm giúp khởi tạo nhịp tim bằng cách phát tín hiệu điện và lan truyền đến hệ thống điện tim trong cơ tim, giúp tim co bóp đều đặn với tần số 60 -–100 nhịp/ phút.

Nhịp xoang nhanh là tình trạng khi nút xoang bị kích thích làm tim đập nhanh bất thường kèm theo hồi hộp, trống ngực, khó thở. Do nút xoang gửi tín hiệu điện với tốc độ nhanh hơn bình thường, khoảng trên 100 nhịp mỗi phút khi nghỉ ngơi.

Nhịp xoang nhanh có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là do hiện tượng sinh lý, cơ thể đang trong trạng thái lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi hoặc sợ hãi.

Bên cạnh đó rối loạn nhịp xoang còn bị gây ra bởi các nguyên nhân khác như rối loạn điện giải, sốt cao, mất máu, rối loạn thần kinh tim, tổn thương cơ tim, suy nút xoang hoặc lão hóa nút xoang ở người già.

Ngoài ra một số các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh nhịp xoang nhanh như:

  • Tăng huyết áp.
  • Rối loạn mỡ máu.
  • Người bệnh có tiền sử tổn thương tim do chấn thương hoặc nhồi máu cơ tim.
  • Người thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê.
  • Trọng lượng cơ thể quá lớn.
  • Tập thể dục quá sức.

Có những nguyên nhân và yếu tố gây ra bệnh nhịp xoang nhanh khác mà chưa được liệt kê ở trên. Nếu người bệnh thắc mắc hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp chi tiết.

Triệu chứng nhận biết bệnh nhịp xoang nhanh

Để điều trị kịp thời bệnh thì trước tiên bạn cần nắm rõ các triệu chứng nhận biết bệnh nhằm phát hiện sớm tình trạng nhịp xoang nhanh. Cụ thể dấu hiệu nhận biết bệnh nhịp xoang nhanh như:

  • Luôn có cảm giác hồi hộp, lồng ngực bồi hồi, khó chịu.
  • Tim đập thình thịch như đang bị rung trong lồng ngực. Có trường hợp tim đập mạnh cảm giác như muốn nhảy vọt khỏi lồng ngực.
  • Cảm giác khó thở, không đủ không khí để thở, khiến cho người bệnh không dám hít vào hoặc thở ra mạnh. Đây là một trong những triệu chứng điển hình của nhịp xoang nhanh.
  • Đau tức ngực, nhói đau vùng tim do giảm lượng máu tới cơ tim.
  • Cơ thể mệt mỏi, dần mất đi sức sống, tay chân tê mỏi và không thể làm bất cứ việc gì.
  • Có các triệu chứng buồn nôn, nôn nao, bước đi không vững, da xanh xao.
  • Tim hoạt động không hiệu quả dẫn đến đầu óc quay cuồng, chóng mặt.

Các triệu chứng ở trên của bệnh nhịp xoang nhanh rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, do đó người bệnh sẽ dễ chủ quan và không điều trị bệnh ngay từ khi khởi phát.

Chính vì vậy ngay khi cơ thể có các triệu chứng bất thường thì nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời nhất.

Nhịp xoang nhanh có nguy hiểm không? Phần lớn các trường hợp mắc nhịp xoang nhanh sẽ ít để lại biến chứng nặng nề nhưng trên thực tế thì khi bị mắc nhịp xoang nhanh kết hợp với các bệnh tim mạch khác có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng không thể xem thường.

Trường hợp người bệnh mắc nhịp xoang đập nhanh kèm theo các triệu chứng lo lắng, hồi hộp, sợ hãi, trống ngực… nếu không được điều trị nhanh chóng, kịp thời sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc hình thành huyết khối, đột quỵ hoặc suy tim.

benh-nhip-xoang-nhanh
Tốt nhất người bệnh nên đến thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị hiệu quả 

Điều trị rối loạn nhịp xoang như thế nào?

Bác sĩ chuyên khoa sẽ căn cứ vào tình trạng nhịp xoang nhanh, mức độ nguy hiểm của người bệnh mà đưa ra chỉ định khác nhau.

Hiện nay có nhiều phương pháp được sử dụng trong điều trị bệnh nhịp xoang nhanh. Việc điều trị không đơn thuần là dùng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật. Cần kết hợp với phương pháp điều trị tại nhà để thay đổi lối sống theo cách tích cực hơn để hạn chế tới mức tối đa sự kích hoạt nhịp tim.

Cụ thể các phương pháp dùng trong điều trị nhịp xoang nhanh:

Sử dụng thuốc để điều trị

Giảng viên khoa Dược tại Cao đẳng Dược TPHCM chia sẻ một số loại thuốc được chỉ định sử dụng như: thuốc chống loạn nhịp tim như thuốc chẹn beta, chẹn canxi, Ivabradin hoặc Amiodaron… những loại thuốc này có tác dụng giãn mạch máu và ức chế giải phóng chất làm gia tăng nhịp tim nên cho những người bị nhịp xoang nhanh mà hay bị căng thẳng, cảm xúc không ổn định.

Thuốc Ivabradin thường được chỉ định dùng cho các trường hợp bị nhịp xoang nhanh mà không rõ nguyên nhân.

Trong quá trình điều trị bằng thuốc người bệnh cần chú ý tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được tự ý sử dụng theo sở thích cá nhân vì có thể làm rối loạn nhịp trở nên trầm trọng hơn.

Trường hợp nếu sử dụng thuốc mà vẫn không thể kiểm soát được nhịp tim thì bác sĩ sẽ cân nhắc và chỉ định dùng phương pháp đốt  điện tim để làm tim đập chậm và có thể phải đặt máy tạo nhịp tim sau khi can thiệp.

Xây dựng lối sống lành mạnh

Tránh xa các chất kích thích làm tăng nhịp tim như caffein, rượu, bia, thuốc lá… Bên cạnh đó cũng cần hạn chế gia vị cay nóng, các loại thịt đỏ, da của thịt gia cầm.

Thường xuyên sử dụng các thực phẩm tốt cho hệ tim mạch như:

  • Thực phẩm giàu chất xơ ( Cam, quýt, bưởi, các loại quả mọng như dâu tây, cà rốt, súp lơ… ) sẽ giúp giảm hấp thu lượng chất béo xấu trong máu cao, từ đó cũng giảm đi nguyên nhân gây xơ vữa mạch, tăng nhịp tim.
  • Thực phẩm giàu Omega 3: cá, đậu phộng, hạnh nhân, quả óc chó… đều là những thực phẩm giúp giảm các phản ứng viêm trong lòng mạch máu, giảm nhịp nhanh xoang.
  • Nhóm thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: bổ sung thường xuyên thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa trong trái cây họ cam quýt, rau xanh đậm, dầu oliu, đậu nành, ngũ cốc nguyên hạt, súp lơ,… vì sẽ giúp ngăn chặn được sự hình thành gốc tự do, làm giảm cơn rung nhĩ.

Duy trì việc tập thể dục thường xuyên

Người bệnh nên thực hiện các động tác thể dục nhẹ nhàng, phù hợp với tình trạng sức khỏe. Ban đầu nên hoạt động nhẹ nhàng sau đó mới tăng dần cường độ lên để tránh tăng nhịp xoang quá mức.

Trong thời gian tập thể dục nếu thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng như trống ngực, hồi hộp, chóng mặt thì nên ngồi xuống để nghỉ ngơi.

Nhịp xoang nhanh dù là sinh lý hay bệnh lý đều cần ngăn chặn từ sớm bằng việc dùng thuốc, kết hợp lối sống khoa học, lành mạnh  để cải thiện triệu chứng và tránh ảnh hưởng đến chức năng tim.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin hữu ích về bệnh nhịp xoang nhanh, từ đó tìm hiểu thêm cách điều trị bệnh tại nhà với việc thay đổi lối sống. Bạn đọc hãy thường xuyên theo dõi các bài viết khác kiến  thức y khoa khác cùng chuyên mục này.