Chấn thương đầu là gì?
Chấn thương đầu là bất kỳ loại chấn thương nào ở não, sọ hoặc da đầu nặng hay nhẹ tùy vào mức độ va đập. Trong đó tổn thương bộ não là nguy hiểm nhất vì đây là cơ quan điều hành tối cao của toàn bộ cơ thể. Mức độ chấn thương có thể nhẹ hoặc bầm tím, chấn thương sọ não. Một số chấn thương đầu thường gặp bao gồm chấn động, vỡ xương sọ và vết thương da đầu. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây chấn thương đầu và mức độ nghiêm trọng để có phương pháp điều trị phù hợp.
Chấn thương đầu gồm có nhiều mức độ nặng hoặc nhẹ, nếu nhẹ chỉ tổn thương phần mềm ngoài da, có trường hợp nặng gây xuất huyết tụ máu trong não cấp tính hoặc mãn tính, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương.
Việc điều trị các chấn thương đầu nặng có thể bao gồm:
- Thuốc
- Phẫu thuật
- Phục hồi chức năng
Sau khi bị ngã, bị tấn công, bạn nên tới bệnh viện để bác sĩ kiểm tra trực tiếp, khám phát hiện các dấu thần kinh và xem xét chỉ định chụp CT nếu nghi ngờ bị nặng, cần được đánh giá kỹ càng để loại trừ tình trạng nguy hiểm. Chấn thương sọ não rất khó để chẩn đoán, những tổn thương bên trong đầu chỉ có thể phát hiện khi chụp ảnh CT. Bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT hoặc MRI tùy vào mức độ chấn thương và yêu cầu của người bị chấn thương.
Ngay cả khi chấn thương nhẹ, bạn vẫn nên theo dõi tình trạng của mình để đảm bảo không có vấn đề gì nghiêm trọng xảy ra.
Chấn thương đầu có thể hở hoặc kín với các mức độ từ bầm tím nhẹ đến chấn động não
Dấu hiệu chấn thương đầu nhẹ
Triệu chứng của chấn thương đầu nhẹ có thể xuất hiện ngay sau một vài phút của va đập nhưng cũng có thể là vài tuần sau đó chúng ta mới phát hiện được. Loại chấn thương đầu nhẹ chúng ta thường gặp nhất là đó là chấn động não, chấn động não có thể dẫn tới các tình trạng như: Mất ý thức tạm thời, đau đầu, choáng, có cảm giác áp lực ở đầu, bị ù tai, lẫn lộn hoặc lơ mơ, buồn nôn hoặc nôn; nói lắp; mệt mỏi, tâm trạng và tính cách thay đổi, bao gồm sự cáu kỉnh và trầm cảm, nhạy cảm với tiếng ồn và ánh sáng trực tiếp...
Vì vậy, bạn cần chú ý theo dõi cơ thể mình nếu có biểu hiện trên hoặc có các triệu chứng lạ khác chưa được cập nhật. Bằng cách xem xét các dấu hiệu của tình trạng chấn thương đầu bạn vẫn có thể nhận biết các triệu chứng chấn thương đầu để tìm cách chăm sóc kịp thời. Bệnh nhân cần được quan sát ở trong bệnh viện hoặc tại nhà 24 giờ đầu sau chấn thương đầu. Đây là thời điểm vàng để phát hiện ra các triệu chứng của chấn thương đầu.
Đa số những người bị chấn thương đầu sẽ hồi phục hoàn toàn sau vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, các biến chứng nghiêm trọng sau chấn thương có thể tiềm ẩn nhiều hơn ở người cao tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ em và những người đã có tiền sử bị chấn thương đầu nhiều lần do chơi thể thao đối kháng như bóng đá, bóng bầu dục, bóng chày…
Những người bị chấn thương đầu liên tục có thể gây ra bệnh não do chấn thương mãn tính (CTE). Chấn thương đầu nhẹ có thể làm tăng nguy cơ khiến chúng ta bị bệnh Parkinson và Alzheimer giảm trí nhớ, hay quên.
Hãy gọi cho bác sĩ hoặc đến viện ngay nếu bệnh nhân có bất kỳ biểu hiện tụ máu não nào dưới đây:
- Bệnh nhân không thể đánh thức được
- Nói lắp
- Giảm phối hợp
- Buồn ngủ quá nhiều
- Tê trên cơ thể
- Nôn nhiều lần
- Co giật.
Những di chứng mà chấn thương sọ não có thể để lại:
- Hội chứng đau đầu sau chấn thương sọ não với diễn biến dai dẳng kéo dài, rất khó điều trị.
- Động kinh: Thường gặp 40-50% số bệnh nhân bị chấn thương sọ não kèm theo rối loạn tâm thầm khó điều trị
- Loạn thần sau chấn thương sọ não: Trường hợp này có thể gây lên rối loạn tâm thần, điều trị khó khăn và hay tái phát.
- Giảm trí nhớ, mất trí nhớ: Trường hợp nặng gây giảm sút trí tuệ dẫn đến mất ngôn ngữ, đòi hỏi quá trình điều trị phục hồi rất phức tạp và lâu dài.
- Thoái hoá đĩa đệm-cột sống cổ: Chấn thương sọ não đẩy mạnh tốc độ tiến triển thoái hoá đĩa đệm-cột sống cổ và hẹp ống sống cổ dẫn đến liệt tứ chi.
-Liệt hoặc yếu 1/2 người: với bên não bị tổn thương các dây thần kinh vận động của sọ não gây liệt hay yếu ½ người.
- Phù
Nhiều vết thương gây sưng các mô xung quanh dẫn đến phù nề hoặc sưng, nhưng tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn nếu xảy ra trong não dẫn đến tích tụ áp lực trong não, khiến cho bộ não áp vào hộp sọ.
- Tổn thương sợi trục lan tỏa chấn thương tuyệt đối
Tình trạng tri giác khi được chẩn đoán tổn thương sợi trục lan tỏa theo thang điểm hôn mê Glasgow (GCS) lúc nhập viện. Tổn thương sợi trục lan tỏa là một chấn thương não không gây chảy máu nhưng làm tổn thương các tế bào não. Tình trạng tổn thương sợi trục lan tỏa trạng này cũng có thể dẫn đến sưng tấy, gây ra nhiều tổn thương hơn. Tổn thương sợi trục lan tỏa dù không thể nhìn thấy bên ngoài như các chấn thương não khác, nhưng nó là một trong những loại chấn thương đầu nguy hiểm nhất, có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn và thậm chí tử vong.
Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông để phòng chấn thương đầu
Nên làm gì khi bị ngã chấn thương đầu?
Trước tiên bạn cần được đi khám ngay. Ban đầu chấn thương đầu chỉ gây đau, bầm tím và những vết xước nhỏ trên da đầu mắt thường có thể nhìn thấy được nhưng những tổn thương sâu bên trong não bộ chúng ta lại không lường trước được, đó là lý do các bậc phụ huynh không bao giờ được bỏ qua chấn thương đầu.
Bạn có thể tê nửa mặt sau khi bị chấn thương, là dấu hiệu của tổn thương não hoặc tụ máu trong não sau chấn thương đầu. Bạn nên đi ngủ sau khi bị chấn thương đầu, nhưng cần được đánh thức mỗi 2 giờ để kiểm tra các triệu chứng mới.
Bạn nên chụp CT để xem có tổn thương não cần mổ không nếu có các biểu hiện: đau đầu ở mức độ nặng, nửa tỉnh nửa mê, co giật, nửa người cử động kém hoặc không cử động.
Bạn nên quay trở lại gặp bác sĩ nếu phát triển bất kỳ triệu chứng mới hoặc tình trạng xấu đi.
Tóm lại, chấn thương vùng đầu có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như sau:
- Đau đầu
- Đau cổ
- Hoa mắt, chóng mặt
- Buồn nôn hoặc nôn
- Lẫn lộn
- Khó tập trung hoặc phản ứng chậm
- Mất ý thức
- Mất thính lực
- Mờ mắt
- Mệt mỏi
- Khó chịu, lo lắng hoặc thay đổi trong tính cách
- Mất trí nhớ
Các triệu chứng kể trên thường xảy ra ngay sau khi chấn thương vài giây và biến mất trong vài phút đến vài giờ. Tuy nhiên, đôi khi đối tượng như trẻ em hoặc người già lại có những triệu chứng kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng cần được theo dõi.
Tránh để đầu bị căng thẳng hoặc phải suy nghĩ quá mức, bạn nên hạn chế tham gia các hoạt động thể dục thể thao và đi khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh để nhận được sự tư vấn tốt nhất.
Phương pháp phòng ngừa chấn thương sọ não hiệu quả
Chấn thương sọ não thường rất phổ biến, chấn thương sọ não là một tác động bất ngờ, sẽ rất khó để ngăn chặn chúng cho nên chúng ta nên chủ động để phòng khi xảy ra.
Chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ an toàn giao thông và thực hiện đúng an toàn lao động, an toàn trong thể thao. Đội mũ và mặc đồ bảo hộ là biện pháp phổ thông nhất để phòng tránh chấn thương sọ não. Khi chơi các môn thể thao cần đội mũ bảo hộ, mũ thể thao chuyên nghiệp đúng quy định và đúng chất lượng. Nhiều môn thể thao cũng yêu cầu đội mũ bảo hộ, ví dụ như bóng bầu dục, bóng chày, trượt tuyết…
- Đảm bảo đủ ánh sáng trong nhà, các lối đi, lắp bóng đèn sao cho thuận lợi nhất vì trong sinh hoạt dễ xảy ra ngã do sàn nhà trơn trượt, ngã cầu thang.
- Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp. Không vứt đồ đạc bừa bãi trên sàn nhà
- Không uống rượu bia vì chất kích thích trong bia rượu, không nên dùng thuốc an thần, gây ngủ khi lái xe.
- Dừng lại xe khi mệt mỏi, căng thẳng hay bất ổn tâm lý, luôn thắt dây an toàn khi lưu thông bằng ô tô. Hạn chế tốc độ và không sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông.
- Tập thể dục hàng ngày để cải thiện tinh thần, giúp loại bỏ căng thẳng
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi giảng viên chuyên khoa Kỹ thuật và phục hồi chức năng Lê Thanh Hà, trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn. Mọi thông tin chỉ mang tính tham khảo, người bệnh không nên tự chữa trị tại nhà hoặc uống thuốc sai quy định.