Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Có những điều nào cần lưu ý cho người bị chóng mặt?

Cập nhật: 22/09/2020 16:47 | Trần Thị Mai

Chóng mặt là triệu chứng mất thăng bằng và té ngã, quay cuồng với xung quanh, choáng váng. Cảm giác chóng mặt này có thể tái phát mặc dù đã được điều trị hiệu quả tùy thuộc vào nguyên nhân. Cần lưu ý rằng chóng mặt sẽ là triệu chứng của một số bệnh nào đó chứ không phải đó là bệnh lý. Cùng tìm hiểu cụ thể hơn dưới bài chia sẻ nhé!  

Có những điều nào cần lưu ý cho người bị chóng mặt?

1. Nguyên nhân gây ra chóng mặt và các dấu hiệu nhận biết

- Thông thường hiện tượng chóng mặt sẽ do các vấn đề về tai gây ra. Vì tai có chức năng gửi tín hiệu đến não về chuyển động của đầu và cơ thể giúp giữ tốt thế thăng bằng. Mỗi một dạng chóng mặt sẽ có những nguyên nhân gây ra khác nhau, cụ thể như:

  • Chóng mặt lành tính do tư thế: Điều này có thể xảy ra do tuổi tác hoặc cũng có thể do các hạt canxi nhỏ co lại trong các kênh của tai trong.
  • Bệnh lý rối loạn thính lực: căn bệnh này có triệu chứng ù tai, giảm thính lực do sự tích tụ chất lỏng và thay đổi áp lực trong tai.
  • Viêm dây thần kinh tiền đình: virus chính là khởi nguồn của nhiễm trùng ở tai. Khi bị nhiễm trùng sẽ gây viêm tai và các dây thần kinh có chức năng luôn giúp cơ thể cân bằng trong mọi tình huống.

- Ngoài ra sẽ còn có các nguyên nhân khác gây ra tình trạng chóng mặt như bị chấn thương ở vùng đầu hoặc cổ, đột quỵ hay các vấn đề về não. Cũng có một số loại thuốc sử dụng trong điều trị bệnh sẽ gây tổn hại đến tai làm mất thăng bằng.

- Những dấu hiệu để nhận biết bạn đang bị chóng mặt như:

  • Đang đi thì có dấu hiệu ngã về một hướng.
  • Bỗng nhiên xuất hiện cảm giác quay cuồng.
  • Khi đứng bị nghiêng ngả, không thể đứng thăng bằng.
  • Có cảm giác buồn nôn.
  • Mắt chuyển động không bình thường.
  • Nhãn cầu có triệu chứng giật giật.
  • Thính lực bị suy giảm trong thời gian ngắn.
  • Toát mồ hôi nhiều kèm theo ù tai.

Tất cả các triệu chứng ở trên có thể kéo dài vài phút hoặc thậm chí vài giờ đồng hồ và có thể tự mất đi mà không cần điều trị.

Tốt nhất ngay khi có một trong các triệu chứng ở trên người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị đúng nguyên nhân gây ra triệu chứng chóng mặt.

2. Phương pháp điều trị chóng mặt

Bác sĩ chuyên khoa sau khi thăm khám sẽ đưa ra liệu pháp điều trị tận gốc nguyên nhân gây ra. Cũng có những trường hợp người bệnh theo thời gian sẽ tự biến mất triệu chứng chóng mặt mà không cần điều trị.

Hiện nay chủ yếu một số phương pháp điều trị chóng mặt vẫn thường được sử dụng bao gồm:

Vật lý trị liệu phục hồi chức năng tiền đình

Hệ tiền đình sẽ có nhiệm vụ gửi tín hiệu đến não về chuyển động của đầu và cơ thể so với trọng lực. Việc thực hiện các bài tập vật lý trị liệu sẽ giúp củng cố lại hệ thống tiền đình. Các nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện các bài tập phù hợp với thể trạng để rèn luyện các giác quan khác để cân bằng lại triệu chứng chóng mặt.

chong-mat
Nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất

Điều trị bằng thuốc

Có nhiều trường hợp sẽ được chỉ định dùng thuốc để điều trị triệu chứng chóng mặt, thường sẽ sử dụng cho những người bị viêm hoặc nhiễm trùng sẽ cần dùng đến thuốc kháng sinh nhằm giảm sưng và điều trị nhiễm trùng triệt để.

Một số thuốc tốt cho người bệnh thường xuyên bị chóng mặt như:

  • Thuốc chống buồn nôn.
  • Các loại thuốc chống lo âu diazepam (Valium), alprazolam (Xanax).
  • Loại thuốc có thể ngăn ngừa cơn đau nửa đầu.

Phẫu thuật

Người bệnh bị chóng mặt do nguyên nhân có khối u hoặc chấn thương vùng não, đầu cổ thì sẽ cần phải sử dụng đến phương pháp phẫu thuật.

3. Những lưu ý mà người chóng mặt cần biết

Để kiểm soát tốt triệu chứng chóng mặt và không gây ra diễn biến bệnh nghiêm trọng hơn thì bạn nên biết duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh dưới đây như:

  • Quá trình đi lại cần hết sức lưu ý, đặc biệt khi có cảm giác mất thăng bằng thì nên ngồi xuống từ từ hoặc chống gậy để đi lại. Trường hợp nặng thì hãy nên nhờ sự giúp đỡ của người xung quanh.
  • Hạn chế việc thay đổi tư thế quá đột ngột.
  • Chú ý khi bị chóng mặt không được lái xe hoặc vận hành máy móc nguy hiểm.
  • Xây dựng chế độ ăn uống đủ chất, đủ nước và đặc biệt cần ngủ đủ giấc để hạn chế tới mức tối đa các căng thẳng.
  • Xen kẽ thời gian thư giãn nghỉ ngơi với làm việc.
  • Không nên dùng quá nhiều các loại thức ăn ngọt hoặc mặn vì sẽ khiến tăng thể tích dịch của cơ thể và của tai trong.

Các bài viết chia sẻ của giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn ở trên về triệu chứng chóng mặt chỉ mang tính chất minh họa và không có tác dụng  thay thế các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tốt nhất nếu có thắc mắc bạn nên hỏi trực  tiếp ý kiến của bác sĩ để được giải đáp chi tiết hơn.