Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Tìm hiểu các biện pháp điều trị bệnh Tê bì tay chân

Cập nhật: 04/12/2021 03:44 | Trần Thị Mai

Tê bì tay chân là bệnh lý mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải với các mức độ khác nhau. Tuy nhiên khi mắc bệnh thì bạn cần chú ý theo dõi sức khỏe và đi khám để xác định nguyên nhân, điều trị nhằm hạn chế được các biến chứng nguy hiểm. Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây các thông tin về tình trạng tê bì tay chân.  

Tìm hiểu các biện pháp điều trị bệnh Tê bì tay chân

Tê bì tay chân là triệu chứng xảy ra do các rễ thần kinh bị chèn ép, biểu hiện rất dễ nhận biết đó là các ngón chân, ngón tay sẽ có cảm giác giống bị kim châm, kiến bò hoặc bị chuột rút.

Ban đầu các cơn đau sẽ lan dần từ vùng cánh tay xuống cổ tay và cả bàn tay. Mức độ tê bì có thể gia tăng dần theo thời gian nếu như người bệnh không điều trị kịp thời. Ngoài ra cơ thể sẽ bị suy nhược, cảm giác tê buốt, nóng rát tại các vị trí bị tổn thương. 

Nguyên nhân gây bệnh tê bì tay chân

Việc đầu tiên bạn cần tìm hiểu đó là nguyên nhân gây ra bệnh để từ đó tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.

Có rất nhiều nguyên nhân làm dẫn đến các  triệu chứng tê bị tay chân, tuy nhiên có 3 nguyên nhân chính đó là:

Nguyên nhân sinh lý

Trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày nếu bạn vận động sai tư thế như quỳ, ngồi quá lâu khiến máu khó lưu thông… sẽ có cảm giác kim đâm vào chân, tê bì tay chân.

Tư thế làm việc: Bê vác vật nặng, ngồi, đứng quá lâu ở một tư thế, lười vận động và thường xuyên ngồi dưới máy lạnh sẽ gây tổn thương dây thần kinh. Từ đó gây tê tay chân.

Tê chân tay có thể là kết quả của tác dụng phụ khi dùng một số thuốc.

Bên cạnh đó tâm lý căng thẳng hoặc thường xuyên mệt mỏi cũng là nguyên nhân dẫn đến tê bì tay chân.

Nguyên nhân bệnh lý

  • Thoái hóa cột sống: Khi cột sống bị thoái hóa sẽ dẫn đến các sụn khớp, đốt sống bị bào mòn, cọ xát với rễ thần kinh sẽ làm đau nhức, tê bì chân tay  hoặc đau nhức từ thắt lưng xuống chân do thoái hóa thường sẽ bị tê bì tay chân vào ban đêm hoặc mỗi khi thay đổi thời tiết.
  • Thoát vị đĩa đệm: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tê bì tay chân. Căn bệnh này sẽ thường gặp nhất ở cột sống cổ và thắt lưng cho nên khi đĩa đệm tràn ra khỏi bao xơ thì sẽ chèn ép dây thần kinh cột sống và gây tê bì nên chân.
  • Viêm đa khớp dạng thấp: khi khớp chân, khớp tay bị tổn thương, viêm nhiễm sẽ gây ra tê bì tay chân.
  • Hẹp ống sống: Dạng bệnh lý bẩm sinh này làm cho cho cột sống bị biến dạng và kích thước thu nhỏ lại, điều này dẫn đến các rễ thần kinh chạy qua vị trí đó bị chèn ép và gây tắc nghẽn lưu thông máu, tê bì tay chân kéo dài.
  • Đa xơ cứng: các triệu chứng của bệnh sẽ làm tổn thương màng bọc Myelin làm cho tê tay chân, cơ bắp mệt mỏi, đau nhức do bệnh rối loạn tự miễn đã tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương.
  • Viêm đa rễ thần kinh: hệ thần kinh ngoại biên tổn thương sẽ gây ra bệnh viêm đa rễ thần kinh và làm rối loạn cảm giác, việc vận động trở lên khó khăn hơn.
  • Xơ vữa động mạch: xơ vữa động mạch gây hẹp lòng mạch, chèn ép dây thần kinh chạy qua và dẫn đến tê bì tay chân. Nguyên nhân do chấn thương: Tai nạn, va chạm, ngã khiến dây thần kinh ngoại biên tổn thương cũng gây tê bì chân tay, hạn chế vận động.

Ngoài ra sẽ còn các nguyên  nhân và yếu tố khác làm gia tăng nguy cơ mắc triệu chứng tê bì tay chân. Nếu bạn đọc có thắc mắc hãy tham khảo thêm ý kiến bác sĩ chuyên khoa để có thêm nhiều thông tin chính xác hơn.

Triệu chứng của tê bì tay chân

Trên thực tế thì tê bì tay chân ban đầu sẽ thấy các triệu chứng tê rần ở các đầu ngón tay, ngón chân giống như bị kim châm.

Ngoài ra thì còn có các triệu chứng khác để người bệnh nhận biết tê bì tay chân như:

  • Cơ thể mất thăng bằng, các cơ bị suy yếu.
  • Khắp các bộ phận của cơ thể như vai, gáy, hông, mông, đùi, cổ… có triệu chứng đau nhức.
  • Bề mặt da biến đổi về màu sắc tái nhạt hoặc tím đỏ.
  • Chuột rút ở bắp tay, chân âm ỉ hoặc co thắt đột ngột.

Còn có các triệu chứng nghiêm trọng khác mà khi thấy xuất hiện người bệnh cần ngay lập tức đến các cơ sở y tế để thăm khám nhanh chóng như:

  • Tình trạng tê bì tay chân kéo dài đã quá thời gian 6 tuần.
  • Tê bì tay chân kèm theo các triệu chứng mãn tính khác.
  • Không thể kiểm soát việc đi tiểu.
  • Sau khi chấn thương đầu dẫn đến bị tê liệt.
  • Đau đầu dữ dội kèm theo các triệu chứng khó thở, co giật.
  • Suy giảm trí nhớ dễ bị nhầm lẫn.

Có những triệu chứng của tê bì tay chân chưa được liệt kê đầy đủ ở trên, nếu bạn đọc có thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với bác sĩ để được giải đáp chi tiết.

te-bi-tay-chan
Có những phương pháp nào để điều trị tê bì tay chân?

Phương pháp điều trị tê bì tay chân

Khi người bệnh đến các phòng khám, bệnh viện chuyên khoa để khám thì các bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm: điện cơ để đo lường mức độ của cơ bắp, chẩn đoán hình ảnh bằng các kỹ thuật cắt lớp vi tính CT Scan, cộng hưởng từ MRI, chụp X-quang.

Từ kết quả chẩn đoán mà bác sĩ sẽ căn cứ vào đó mà đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Hầu hết tê bì tay chân sẽ không cần điều trị nhiều về thuốc hay hóa chất mà thường sử dụng các biện pháp hỗ trợ như tăng cường vận động thể dục thể thao, thực hiện các bài xoa bóp thư giãn tay chân.

Cụ thể các phương pháp điều trị tê bì tay chân như:

Sử dụng thuốc tây

Thuốc giảm đau, chống viêm: Nhóm thuốc này sẽ có tác dụng giảm đau, tê bì tay chân nhanh chóng. Bên cạnh đó còn chống viêm tại các khớp. Một số loại thuốc trong nhóm giảm đau, chống viêm như: Arcoxia, Ibuprofen,Paracetamol, Bonlutin,…

Thuốc giãn cơ: Chỉ định dùng trong các trường hợp cơ cứng bắp. Một số thuốc như Myonal. Mydocalm…

Các loại Vitamin, khoáng chất: Khi nguyên nhân bị tê bì tay chân là do cơ thể thiếu dưỡng chất nên cần bổ sung các nhóm Vitamin B, khoáng chất để  cải thiện sức  khỏe kịp thời. 

Thực hiện các bài tập dành cho người mắc bệnh tê bì tay chân

Theo các giảng viên ngành Cao đẳng Điều dưỡng chia sẻ việc tập luyện những bài tập phù hợp với thể trạng người bệnh sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, máu lưu thông, cơ thể khỏe khoắn và đặc biệt cải thiện nhanh chóng triệu chứng khó chịu do tê bì tay chân gây ra:

Tập yoga: Yoga với các bài tập nhẹ nhàng sẽ đem lại hiệu quả cao đối với tình trạng tê bì tay chân. Lựa chọn các lớp học chuyên nghiệp để được các thầy cô hướng dẫn cụ thể, đúng cách. Tuy nhiên cần kiên trì thực hiện phương pháp này để tốt cho sức khỏe.

Đi bộ: Đi bộ nhẹ nhàng là cách đơn giản và hiệu quả cho những người mắc tê bì tay chân. Nên đi bộ vào buổi sáng hoặc chiều tối, hạn chế việc đi bộ vào trời quá sớm hoặc quá tối vì dễ bị dính sương.

Mát xa: Mát – xa trước khi đi ngủ từ 20 – 30 phút  từ cổ chân lên đùi và ngược lại, đồng thời mát xa từ cổ tay đến vai và ngược lại. Tác dụng của phương pháp này sẽ giúp kích thích lưu thông máu trong cơ thể nhằm thuyên giảm những triệu chứng tê bì tay chân để người bệnh có giấc ngủ ngon hơn.

Việc thực hiện bài tập thì tốt nhất người bệnh nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng để được hướng dẫn đúng cách.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp

Bổ sung các thực phẩm giàu Vitamin D và Vitamin K như trứng, cá, rau cải xoăn, đậu nành… để tăng cường sức khỏe cho xương khớp.

Muốn xương khỏe mạnh hơn nên bổ sung thêm canxi và các thực phẩm chứa chất chống oxy hóa để có lợi cho xương khớp.

Để tình trạng tê bì tay chân được thuyên giảm nhanh chóng thì bạn nên kết hợp việc dùng thuốc với các bài tập, chế độ dinh dưỡng và tuân thủ theo đúng các chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên những thông tin y khoa hữu ích ở trên chỉ mang tính chất tham khảo.