Gần đây, Bệnh viện Da liễu TP.HCM liên tục tiếp nhận những ca bệnh bị dị ứng, biến chứng do tự mua các sản phẩm làm đẹp trên mạng không rõ nguồn gốc, thậm chí mua cả thuốc trên mạng về điều trị vì quảng cáo quá hấp dẫn.
Chưa khi nào mua hàng lại dễ như thời nay, chỉ cần vào mạng lựa chọn. Sản phẩm được chọn sẽ được giao đến tận nhà. Không chỉ các loại hàng hóa mà hiện nay các sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc, thậm chí "thuốc" trị bệnh cũng được rao bán rầm rộ trên mạng. Chỉ cần một cái nhấp chuột là đã mua được sản phẩm.
Thoa chỗ nào cũng... đẹp?
Tràn ngập trên mạng nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, các sản phẩm làm đẹp như kiểu muốn gì có đó, thoa chỗ nào cũng đẹp trắng sáng. Các sản phẩm đắp mặt, trị mụn, trị sẹo rỗ..., thậm chí làm đầy sẹo lõm cũng có luôn.
Quảng cáo nào cũng đầy tính "mời gọi" như "đây là những mỹ phẩm thiên nhiên được rất nhiều anh chị em tin dùng", "chiết xuất từ 100% thiên nhiên", "đều là những thành phần vô cùng lành tính", "sử dụng an toàn", "đảm bảo không gây tổn thương"... Và hiệu quả sử dụng thì rất hấp dẫn như sẽ hết mụn ngay, da sẽ sáng đẹp, hồng hào, căng bóng, mịn...
Nghe theo lời quảng cáo trên mạng về một loại mặt nạ đông y đắp lên sẽ làm trắng, đẹp da, bệnh nhân nữ N.T.H., 21 tuổi, ngụ ở Long An, đã mua loại mặt nạ này về sử dụng. Chỉ sau 2 lần đắp, mặt bệnh nhân đã bị sưng phù, nổi mụn mủ khắp mặt... và phải và Bệnh viện Da liễu TP.HCM điều trị.
Khắp người nứt nẻ vì thuốc trên mạng
Ông N.V.V., 64 tuổi, ngụ ở Đắk Lắk, nhập Bệnh viện Da liễu TP.HCM trong tình trạng toàn thân đau nhức, sưng phù, da đỏ, nứt, tróc vảy, đi lại rất khó khăn. Ông đã được nhập viện do bị tai biến nặng vì trước đó đã mua thuốc trên mạng để điều trị vảy nến.
Ông V. kể, ông bị vảy nến 4 năm nay với tình trạng sức khỏe tốt. Mấy ngày trước ông nghe người thân chỉ có loại thuốc dân tộc Dao có thể điều trị dứt điểm bệnh vảy nến. Ông V. tìm hiểu và đặt mua online của một nhà thuốc trên mạng với giá gần 200.000 đồng/tuýp. Bôi xong, da ông bị khô, đóng vảy. Bôi hết tuýp thuốc, da ông đỏ tấy, toàn thân sưng vù, nứt da, đóng vảy.
Sưng phù, kích ứng, nhiễm trùng
BS CKII Nguyễn Vũ Hoàng - phó trưởng khoa lâm sàng 2 Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc trên nền bệnh vảy nến. Hiện bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc tại chỗ.
Hiện nay bệnh vảy nến chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng y học có nhiều loại thuốc uống, thuốc bôi, thuốc thoa. Đặc biệt, hiện nay có thuốc sinh học có khả năng khống chế được bệnh vảy nến gần như hoàn toàn, bệnh nhân có cuộc sống gần như người bình thường.
Để điều trị bệnh đúng cách, tránh các tai biến xảy ra, BS Hoàng khuyến cáo bệnh nhân không được tự ý mua thuốc về điều trị, nhất là những loại thuốc không rõ nguồn gốc vì có thể gây ra tình trạng kích ứng tại chỗ, nhiễm trùng, thậm chí nhiễm trùng huyết có thể dẫn đến tử vong.
BS CKII Võ Thị Đoan Phượng - trưởng khoa lâm sàng 1 Bệnh viện Da liễu TP.HCM - khuyến cáo liên quan đến việc viêm da cấp tính của bệnh nhân nữ N.T.H., 21 tuổi: "Các chị em cần thận trọng trong việc lựa chọn và sử dụng các mỹ phẩm làm đẹp, đặc biệt không nên sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc tin tưởng các thông tin không chính xác trên mạng xã hội.
Khi có bất kỳ biểu hiện bất thường, lập tức đến thăm khám ngay tại các bệnh viện có chuyên khoa da liễu có uy tín để được điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc".
Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm