Phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh sau năm 2020 bằng hình thức thi trên máy tính được phần lớn các thành viên của hội đồng đều tán thành chủ trương của Chính phủ tại cuộc họp Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực ngày 25/9 vừa qua.
Phương án thi trên máy tính là cần thiết
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ nghiên cứu để kết hợp giữa cả hai hình thức là thi trên giấy và thi trên máy tính nhưng sẽ tăng dần phương án thi trên máy ở những nơi có điều kiện. Đến năm 2020 về cơ bản vẫn giữ kỳ thi như hiện nay, thi trên máy tính sẽ nằm trong đề án thực hiện chuẩn bị cho phương án thi cho 5 năm tiếp theo từ 2021 - 2025.
Đây là một điểm mới đáng lưu ý trong đề án đổi mới hình thức thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng được nhiều người quan tâm tới. Thi THPT quốc gia trên máy tính có thể được tổ chức nhiều đợt trong năm và kết quả có luôn sau khi thi. Việc thi THPT quốc gia trên máy tính đã được nhiều thành viên của Hội đồng quốc gia giáo dục ủng hộ.
Việc tổ chức thi trên máy tính là xu hướng tích cực?
Thi máy tính sẽ từng bước thực hiện, đảm bảo nguyên tắc không gây ảnh hưởng tâm lý cho thí sinh, đảm bảo được kết quả tin cậy, khách quan. Theo đó Bộ GD-ĐT sẽ công bố việc thi bằng phương thức trên máy trước một năm, gồm nội dung thi, phương thức thi, hình thức thi để thí sinh có sự chuẩn bị làm quen và ôn tập trước kỳ thi.
Trước mắt năm 2020 sẽ vẫn thi trên giấy như hiện nay, chỉ có một số thay đổi về nội dung đề thi và các điều kiện cần chuẩn bị cho thi trên máy ở mốc 2021-2025. Đây là thời kỳ chuyển giao nên cần thận trọng và chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Hoạt động tổ chức thi trên máy tính có tính khả thi và là xu thế đúng, hình thức thi này đã được nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập kỷ và áp dụng trên thế giới với các tổ chức khảo thí độc lập. Nhiều ý kiến cho rằng cách thi như hiện nay đã lạc hậu nên cần một sự thay đổi, nhưng để làm được phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không nên để nước đến chân mới nhảy.
Ưu điểm của hình thức thi này là thí sinh sẽ giảm bớt tiêu cực thi cử, thí sinh sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, thi trên máy tính với nhiều đợt thi sẽ đảm bảo tính khách quan chấm dứt tình trạng chấm chặt hay chấm lỏng như thời chấm bằng tay.
Thực tế thì hình thức thi trên máy tính cũng đã từng được làm thí điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học vào ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2015-2016 và trong các kỳ thi ngoại ngữ hay tin học được nhiều nước áp dụng cho thấy nó an toàn cà khả thi, học sinh Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng được.
Nhiều băn khoăn hình thức thi THPT quốc gia trên máy tính
Hàng năm nước ta có gần 1 triệu thí sinh tham gia dự thi THPT quốc gia, việc thi bằng máy tính liệu có đủ máy tính cùng loại cho thí sinh thi hay không? Địa điểm thi đặt ở đâu để đảm bảo an toàn, khả thi? Và liệu có ngăn chặn được tình trạng thí sinh vào phòng thi ngồi nghịch chuột sau đó có người làm hộ?.
Nhiều chuyên gia nhận định đổi mới kỳ thi THPT quốc gia bằng thi máy tính mà Bộ GD-ĐT trình Thủ tướng là một sự thay đổi đáng mừng, không phải để gây khó thêm mà làm cho gọn nhẹ hơn và triển khai quá trình thi tốt hơn. Tuy nhiên vẫn có những băn khoăn và ý kiến trái chiều khi áp dụng thi cho toàn quốc không hề đơn giản. Các chuyên gia cũng kiến nghị Bộ cần thận trọng các bước đi làm sao cho hợp lý để đảm bảo được quyền lợi công bằng cho học sinh ở mỗi vùng miền.
Thi bằng máy tính sẽ thiếu công bằng cho các em học sinh ít được tiếp xúc với máy tính
Cho học sinh chọn lựa thi trên máy tính còn nhiều khó khăn như hệ thống máy móc, trang thiết bị ở các trường THPT, các địa phương hiện nay không đồng đều và kỹ năng sử dụng máy tính của học sinh cũng không được thành thạo, việc thống nhất thi trên máy tính cho tất cả các thí sinh thì cần có lộ trình chuẩn bị 5 - 10 năm. Hiện nay những chiêu gian lận thi cử rất tinh vi và khó phát hiện nên không hoàn toàn cho học sinh thi trên máy tính để chống gian lận thi cử nên cần chuẩn bị cho công tác bảo mật và chống gian lận thi cử một cách chi tiết nhất.
Hình thức thi trên máy tính cũng có thể xảy ra các gian lận trong phòng thi như có camera, có nhiều giám thị, thí sinh vào ngồi làm động tác giả và sau đó có người làm hộ… chính vì vậy nên việc thi hình thức trên máy tính nếu Bộ không làm nghiêm túc thì sẽ dễ xảy ra tiêu cực hơn so với thi trên giấy.
Nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ kỳ thi với mục đích xét tốt nghiệp vì từ sau năm 2020 học sinh hoàn thành chương trình học lớp 12 sẽ được nhà trường cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình THPT. Nhưng sẽ chẳng có học sinh nào sau 12 năm học lại chỉ muốn nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Học sinh nào muốn có bằng tốt nghiệp thì sẽ tham gia vào kỳ thi THPT quốc gia để xét đại học, cao đẳng.
Như vậy có thể khẳng định hầu hết học sinh học xong lớp 12 vẫn chọn cách thi THPT quốc gia để lấy bằng tốt nghiệp và dự tuyển vào đại học, cao đẳng. Vì thế kỳ thi THPT quốc gia vẫn cần thiết phải tổ chức bằng hình thức nào đó, học sinh có thể đăng ký thi nhiều đợt trong năm như vậy kỳ thi sẽ được tổ chức linh động, không diễn ra cùng lúc và trên phạm vi cả nước. Kỳ thi THPT quốc gia vì thế cũng được tổ chức nghiêm túc, hiệu quả hơn.
Một số em học sinh cho biết, cá nhân thì không thích làm bài thi trên máy tính vì ngồi làm bài trong một thời gian dài sẽ dễ bị mỏi mắt và dễ lâm vào tình trạng buồn ngủ, đọc và hiểu sai đề thi. Những bạn chưa quen sử dụng máy tính thường xuyên sẽ rất thiệt thòi, làm bài mất thời gian nhất là những bạn ở vùng sâu vùng xa, những học sinh hàng ngày ít có điều kiện tiếp cận với máy tính. Vì thế việc áp dụng thi trên máy tính với quy mô toàn quốc là chưa thật sự hợp lý.
Bất lợi nữa khi thi trên máy tính ở kỳ thi THPT quốc gia sẽ có thay đổi về kỹ thuật làm bài thi, bài thi tổ hợp sẽ có điều chỉnh nội dung đề thi ở các bài thi tổ hợp từ năm 2021 trở đi. Bộ GD-ĐT cũng dự kiến điều chỉnh bài thi tổ hợp các bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ giữ các tổ hợp như năm 2019, còn riêng với các bài thi tổ hợp tự chọn (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội), Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện và cấu trúc lại câu hỏi theo chuẩn đầu ra của chương trình học phổ thông. Thi THPT quốc gia trên máy tính chủ yếu là để đánh giá kiến thức và kỹ năng, giảm số câu hỏi trong các bài thi để sao cho trở thành bài thi tổng hợp.
Thi trên máy tính ở kỳ thi THPT quốc gia được xem là bước tiến mới của ngành giáo dục khi đưa công nghệ vào học tập. Tuy nhiên với tình hình phát triển như ở Việt Nam thì đây là một hướng đi hoàn toàn mới, cần sự chuẩn bị rất lớn. Để làm được bài thi THPT quốc gia trên máy tính như với thi trên giấy thì thí sinh không chỉ cần có kiến thức sâu rộng các môn học mà còn phải biết sử dụng máy tính cơ bản và cần có điều kiện để tiếp xúc với máy tính nhiều hơn. Thi trên máy tính sẽ đòi hỏi nhiều kỹ năng công nghệ thông tin hơn, so với hình thức thi trên giấy thì thí sinh cần thời gian để làm quen với cách lựa chọn câu trả lời.
Trong khi thi các em có thể gặp một vài sự cố kỹ thuật mà không ai có thể biết trước được như lỗi tải câu hỏi, ấn nhầm khiến mất sạch bài, ấn nút gửi bài bị lỗi, có thể gặp phải những sự cố đáng tiếc khác nhau. Vì thế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả thi và đến tương lai của chính thí sinh đó.
Thi trên máy tính còn nhiều khó khăn với học sinh vùng sâu vùng xa vì điều kiện tới trường đi học các em còn khó khăn nên tiếp xúc với máy tính rất hạn chế, thậm chí không được tiếp xúc bao giờ. Do đó mà áp dụng thi máy tính, có thể khiến nhiều em học sinh ở những vùng miền núi khó khăn gặp bất lợi hơn so với các bạn cùng trang lứa khác.
Phương án thi trên máy tính đang nằm trong đề án thực hiện từ năm 2021 nên trước mắt các thí sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 có thể yên tâm hình thức thi trên giấy như cũ, chưa có sự xáo trộn nhiều trong cách thi và chấm bài. Thời gian tới đây ban tư vấn tuyển sinh Trường Cao đẳng Y Dược HCM sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất về phương án thi, những thay đổi về quy định trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 để học sinh nắm rõ và cập nhật sớm nhất. Việc thi bằng hình thức nào không quan trọng, các em nên chuẩn bị sẵn sàng cho mình lượng kiến thức đủ để khi đi thi sẽ luôn trong trạng thái tự tin, sẵn sàng thì các em sẽ đạt được điểm số cao nhất, vào được trường đại học mà mình mong muốn.