Nguyên nhân gây ra viêm quanh khớp vai
Khớp vai là khớp lồi cầu – ổ chảo, chỏm xương cánh tay gắn vào ổ chảo xương bả vai nhờ chóp xoay và bao khớp.
Phần giữa chóp xoay và phần dưới của mỏm cùng vai có một bao gọi là túi hoạt mạc giúp chóp xoay không bị va vào mỏm cùng vai khi vận động cánh tay. Trường hợp chóp xoay bị rách hoặc gặp chấn thương, túi hoạt mạc bị viêm dẫn sẽ gây ra bệnh viêm quanh khớp vai.
Tại Việt Nam thì tỷ lệ người dân mắc bệnh này chiếm khoảng 2%, chiếm 12,5% tổng số các trường hợp bệnh cơ xương khớp.
Viêm khớp quanh vai là tình trạng viêm cấu trúc phần mềm quanh khớp vai như túi thanh dịch, gân, bao khớp… Bệnh viêm khớp quanh vai là tổn thương gân cơ trên gau và bó dài gân nhị đầu cánh tay.
Một số các nguyên nhân dấn đến bệnh viêm khớp quanh vai như:
- Do mắc tình trạng thoái hóa gân ở những người lớn tuổi và đặc biệt là những người trên 50 tuổi.
- Khớp vai bị tổn thương do làm việc nặng, chấn thương khi chơi thể thao lặp đi lặp lại những tổn thương các gân cơ quanh khớp vai.
- Do va đập mạnh hoặc chống tay xuống đất tạo nên áp lực lên vai khi trượt ngã cầu thang, bị tai nạn giao thông.
- Viêm bao hoạt dịch và viêm gân dài cơ nhị đầu cánh tay.
Bên cạnh đó còn có các nhóm đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh viêm quang khớp vai như:
- Độ tuổi: Người trong độ tuổi từ 40 – 60 tuổi.
- Nam giới sẽ có nguy cơ mắc bệnh quanh khớp vai nhiều hơn nữ giới.
- Đặc trưng nghề nghiệp: Những người lao động chân tay phải giơ cao trên 90 độ.
- Người thường xuyên chơi thể thao và thực hiện động tác căng dãn cơ khớp quá mức khi chơi tennis, ném lao, xách các vật nặng…
- Người có tiền sử mắc các chấn thương khớp vai như gãy xương cánh tay, xương bả vai…
- Bị ngã và chống thẳng bàn tay, khuỷu tay xuống nền gây lực dồn lên khớp vai, chấn thương phần mềm vùng khớp vai.
- Đã từng phẫu thuật vùng khớp vai, phẫu thuật hoặc nắn xương bị gãy các xương liên quan đến khớp vai như xương đòn, bả vai…
- Người bị mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, mắc bệnh phổi và lồng ngực, cơn đau thắt ngực, đột quỵ não.
- Bị bất động khớp vai một thời gian dài như sau đột quỵ, bất độn do gãy xương cánh tay.
Ngoài ra sẽ còn có nhiều nguyên nhân và yếu tố khác gây ra bệnh viêm khớp quanh vai mà chưa được liệt kê ở trên. Nếu người bệnh thắc mắc thì hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp chi tiết.
Các triệu chứng nhận biết bệnh viêm khớp vai
Căn cứ vào diễn biến phát triển của bệnh mà có các triệu chứng viêm khớp quanh vai khác nhau. Diễn biến bệnh sẽ theo ba giai đoạn, trong đó xuất hiện dấu hiệu như:
Giai đoạn 1: Đóng băng
Ở giai đoạn này người bệnh sẽ cảm thấy đau và nhức quanh vùng vai, mức độ đau tăng lên khi va chạm và vào buổi tối hoặc khi người bệnh nằm nghiêng về bên vai mắc bệnh. Cơn đau xuất hiện nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến sự vận động. Giai đoạn này sẽ kéo dài trong khoảng từ 6 tuần đến 9 tháng.
Giai đoạn 2: Đông cứng
Trong giai đoạn này mức độ đau sẽ được cải thiện rõ rệt, tuy nhiên vẫn còn bị cứng vai. Nhưng các cơ vai đã bị teo dần do không được vận động. Thời gian từ 4 – 6 tháng trong giai đoạn đông cứng thì bạn có thể khó khăn khi hoạt động các công việc hàng ngày.
Giai đoạn 3: Tan băng
Các hoạt động chuyển động của giai đoạn này đã dần được cải thiện. Vai có khả năng trở lại bình thường, chuyển động bình thường sau khoảng từ 6 tháng đến 2 năm.
Triệu chứng mắc bệnh của mỗi người sẽ khác nhau do đó ngay khi có các triệu chứng bất thường thì nên đến cơ sở y tế để thăm khám và có phương pháp điều trị hiệu quả, hạn chế biến chứng có thể xảy ra.
Khi mắc viêm quanh khớp vai sẽ bị đau dai dẳng, đặc biệt là những lúc cử động. Cơn đau có thể ngưng lại sau một thời gian nhưng tiếp tục tái phát với mức độ dữ dội hơn, điều này sẽ khiến cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày bị ảnh hưởng rất nhiều. Khi bị viêm quanh khớp vai không được phát hiện sớm có thể dẫn đến cứng khớp vai làm cho vận động khó khăn hơn rất nhiều. Ngoài ra thì viêm quanh khớp vai làm tổn thương gân, thậm chí đứt gân và mất đi khả năng vận động khớp vai.
Điều trị viêm quanh khớp vai
Sau khi thực hiện các kỹ thuật chuẩn đoán bệnh như MRI, chụp X-quang, siêu âm... bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định điều trị bệnh viêm quanh khớp vai thì sẽ cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu… nhằm giải quyết những cơn đau đợt cấp và tăng hiệu quả điều trị.
Cụ thể các phương pháp điều trị phổ biến bệnh viêm quanh khớp vai như:
Điều trị nội khoa
Phương pháp này sẽ sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm để giảm triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra đồng thời duy trì vận động của khớp vai.
- Thuốc NSAIDs: Diclofenac, meloxicam…
- Thuốc hỗ trợ chống thoái hóa khớp tác dụng chậm: Glucosamin sulfat…
- Thuốc giảm đau: acetaminophen
- Tiêm corticoid: Tuyệt đối không sử dụng nhóm thuốc này với trường hợp các bệnh nhân đứt gân bán phần do thoái hóa khớp.
Trong quá trình sử dụng thuốc người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không nên sử dụng quá liều hoặc tự ý dùng vì có thể gặp phải tác dụng phụ của thuốc.
Vật lý trị liệu
Một số các phương pháp vật lý trị liệu được sử dụng điều trị viêm quanh khớp vai như:
- Sử dụng liệu pháp nhiệt: dùng hồng ngoại, sóng ngắn, sóng siêu âm, sóng ngắn để tuần hoàn và giảm đau.
- Xoa bóp: Kỹ thuật này sẽ giúp người bệnh được thư giãn hơn nhờ được giảm đau tại chỗ.
- Thực hiện các bài tập vận động: tập các động tác để phục hồi theo đúng sự hướng dẫn của các chuyên gia, bác sĩ, kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
- Châm cứu cũng là một trong những phương pháp giúp điều hòa khí, điều trị tình trạng ứ tắc và kém nuôi dưỡng tại gân, cơ. Châm cứu cần được thực hiện bởi bác sĩ châm cứu vào các huyệt tại vùng đau.
Việc kết hợp châm cứu với dòng điện xung (điện châm) sẽ tác động vào khối cơ ở khớp vai, thúc đẩy cơ thể sản sinh chất kháng viêm, giảm đau tại chỗ.
Điều trị ngoại khoa
Phương pháp phẫu thuật sẽ được chỉ định trong trường hợp người bệnh mắc tình trạng nghiêm trọng, cần phải được cấp cứu như bị rách, đứt hoàn toàn gân cơ, chóp xoay hoặc khi việc điều trị nội khoa thất bại bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện điều trị can thiệp.
Tuy nhiên đối với những trường hợp bị đứt gân do thoái hóa khi độ tuổi trên 60 thì cần được thăm khám, tư vấn và chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Sau khi phẫu thuật người bệnh cần tái khám định kỳ từ 1 – 3 tháng theo đúng lời dặn của bác sĩ.
Trong suốt quá trình điều trị để giảm tác động, áp lực lên khớp vai thì người bệnh cần tránh làm việc quá sức và không nên mang vác nặng. Chú ý không thay đổi tư thế đột ngột, trước khi vận động nên làm nóng và co duỗi. Dành thời gian nghỉ ngơi.
Bài viết trên đây đã cung cấp những kiến thức tổng quan nhất về chứng viêm quanh khớp vai. Bạn đọc hãy thường xuyên truy cập chuyên mục này để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về bệnh lý.