- Những lưu ý khi sử dụng Thuốc Motilium
- Ventolin thuốc xịt hen suyễn xông mũi họng
- Thuốc Maalox và Maloxid, thuốc gì điều trị bệnh dạ dày tốt hơn ?
Thuốc Acetylcystein là gì?
Thuốc Acetylcystein là một loại thuốc có tác dụng điều trị tiết dịch đàm và thuốc giải độc khi bị quá liều paracetamol. Thành phần chính của thuốc là N-Acetylcysteine, giúp tách đôi cầu nối disulfua trong mucoprotein (ở trong giai đoạn gel của niêm dịch) và tạo thuận lợi để tống đờm ra ngoài bằng việc ho. Trường hợp nhiễm độc paracetamol, nếu điều trị trong vòng 12h thì thuốc có thể bảo vệ an toàn được cho gan.
Thuốc Acetylcysteine giúp điều trị tiết dịch đàm hiệu quả
Công dụng/ chỉ định
Acetylcysteine điều hòa chất nhầy theo kiểu làm tan đàm, từ đó làm lỏng dịch tiết niêm mạc của đường hô hấp, áp dụng trong trường hợp bị các bệnh phổi và đường hô hấp như viêm phế quản – phổi, viêm khí phế quản. Ngoài ra thuốc còn giúp ngăn ngừa các biến chứng hô hấp xảy ra ở các bệnh nhân nhiễm khuẩn, khí phế thủng,…, điều trị tại chỗ chứng khô mắt kết hợp tiết chất nhầy bất thường. Thuốc còn có tác dụng giải độc paracetamol.
Liều dùng
Thuốc được bào chế dưới các dạng:
- Dạng uống: viên nén Acetylcystein 200mg hoặc dạng gói bột Acetylcystein 100mg và Acetylcystein 200mg: đối với người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên uống 3 lần/ngày, mỗi lần 200mg. Trẻ em dưới 6 tuổi uống 2 lần/ngày, mỗi lần 100mg.
- Thuốc nhỏ mắt 5%: dùng với người bệnh bị khô mắt có tiết chất nhầy bất thường, nhỏ 3 - 4 lần/ngày, mỗi lần 1 – 2 giọt.
- Dạng khí dung: để nhỏ trực tiếp vào khí quản. Mỗi lần nhỏ 1 – 2 ml dung dịch 10% (100 mg/ml) hoặc 20% (200 mg/ml), 3 – 4 lần/ngày.
- Thuốc tiêm: dung dịch 200 mg/ml, tiêm theo chỉ định của bác sĩ.
Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ <30 độ C, tránh ánh nắng trực tiếp và để xa tầm tay trẻ em.
Trong quá trình sử dụng, nếu gặp những triệu chứng bất thường thì nên ngừng dùng thuốc và báo cho bác sĩ biết.
Chống chỉ định và tác dụng không mong muốn
Thuốc Acetylcystein chống chỉ định với những người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc; người có tiền sử bị hen phế quản.
Phụ nữ có thai và đang cho con bú, người bệnh có tiền sử bệnh viêm loét dạ dày hoặc dị ứng thì nên cẩn trọng khi dùng thuốc vì có nguy cơ phát hen. Không dùng thuốc cùng với thuốc làm giảm bài tiết dịch phế quản và thuốc chống ho.
Dùng Acetylcysteine có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, buồn ngủ, nhức đầu, ù tai; chảy nước mũi, viêm miệng; phản dị ứng (nổi mề đay, phát ban…); co thắt phế quản kèm phản ứng phản vệ trên toàn cơ thể (hiếm gặp).
Cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc Acetylcystein
Nếu sử dụng quá liều sẽ gây sốc phản vệ, hạ huyết áp; ngoài ra còn có thể gây suy hô hấp, tan máu, đông máu rải rác trong động mạch, suy gan. Nếu nặng có thể tử vong. Do đó cần dùng thuốc theo đúng liều lượng và chỉ định của bác sĩ.
Cần ho ra dịch nhầy khi dùng Acetylcystein, nếu không thì phải hút dịch ra, ngăn không cho dịch hình thành nhiều trong phổi.
Khi sử dụng thuốc này với thuốc Carbamazepine hoặc Nitroglycerin có thể gây nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ nhất định. Nếu cả hai loại thuốc được kê toa cùng nhau, bác sĩ có thể sẽ thay đổi liều lượng hoặc mức độ sử dụng của một hoặc cả hai loại thuốc. Rượu và hút thuốc lá cũng ảnh hưởng nhất định đến tác dụng của thuốc.
Lưu ý: tất cả những thông tin về thuốc Acetylcystein ở trên chỉ mang tính chất tham khảo. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc mà phải có các chỉ dẫn của bác sĩ hoặc các cơ sở y tế, tránh các trường hợp xấu có thể xảy ra.
Cao đẳng Dược HCM tổng hợp!