Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Các triệu chứng nhận biết thiếu máu là gì? Điều trị bệnh thiếu máu như thế nào?

Cập nhật: 18/12/2020 16:16 | Trần Thị Mai

Thiếu máu là hiện tượng xảy ra khá phổ biến và có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh. Bạn đọc hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để nắm rõ hơn các thông tin về tình trạng thiếu máu như: nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và người bệnh nên ăn gì?... Mời bạn đọc cùng theo dõi!  

Các triệu chứng nhận biết thiếu máu là gì? Điều trị bệnh thiếu máu như thế nào?

Thiếu máu là tình trạng giảm hemoglobin hữu dụng lưu hành trong máu. Bên cạnh đó thiếu máu cũng xảy ra khi các tế bào hồng cầu không mang đủ huyết sắc tố thiết yếu. Hemoglobin là một protein giàu chất sắt làm máu có màu đỏ. Protein này giúp các hồng cầu mang oxy từ phổi đến các phần còn lại của cơ thể. 

Nguyên nhân gây ra thiếu máu

Thiếu máu do rất nhiều nguyên nhân gây ra trong đó có một số nguyên nhân chính gây ra như:

Do cơ thể bị mất máu

Người mất máu nên cơ thể sẽ tự phản ứng bằng cách hút nước từ các mô bên ngoài máu để các mạch máu được lấp đầy. Do đó mà lượng nước bổ sung sẽ dẫn đến máu bị loãng và làm cho tế bào hồng cầu cũng bị pha loãng theo. Trong đó có rất nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng mất máu như chấn thương, sinh con, bệnh trĩ, bệnh ung thư, phẫu thuật, loét dạ dày…

Mắc một số bệnh lý mãn tính

Có các bệnh lý mãn tính như suy giáp , bệnh gan, bệnh thận hoặc một số các nhiễm trùng khác, hay ngộ độc kim loại hoặc ung thư sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu.

Quá trình sản xuất hồng cầu bị lỗi hoặc bị giảm

Thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm: Khi các tế bào hồng cầu bị biến dạng và phá vỡ nhanh chóng hay có sự bất thường thì sẽ bị mắc kẹt trong mạch máu nhỏ và gây ra tình trạng thiếu máu.

  • Thiếu máu do thiếu sắt: lượng sắt trong cơ thể không đủ sẽ khiến cho tế bào hồng cầu sản xuất được ít hơn nên gây ra thiếu máu. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này như chế độ dinh dưỡng không đủ, mắc vấn đề về đường tiêu hóa, hiến máu quá nhiều….
  • Mắc vấn đề về tủy xương và tế bào gốc: tủy xương sẽ tạo ra các tế bào gốc để phát triển thành các tế bào bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu. Có một số các bệnh lý gây ảnh hưởng đến tủy xương và làm phá vỡ sự sản xuất bình thường của các tế bào hồng cầu và đặc biệt gây ra thiếu máu.
  • Do thiếu Vitamin: folate và Vitamin B12 là điều kiện cần cho việc sản xuất hồng cầu. Khi thiết một trong hai loại Vitamin này thì lượng hồng cầu được sản xuất ít và gây ra thiếu máu.
  • Tế bào hồng cầu bị phá hủy: các tế bào hồng cầu sẽ có vòng đời trong khoảng 120 ngày. Nhưng chúng cũng có thể bị phá hủy hoặc loại bỏ từ trước nên sẽ gây ra thiếu máu. Sử dụng một số loại thuốc sai cách hoặc quá lạm dụng, nhiễm trùng, van tim giả hoặc ghép mạch máu, rối loạn đông máu… sẽ là nguyên nhân gây phá vỡ hồng cầu quá mức.

Bên cạnh đó có các yếu tố làm gia tăng nguy cơ cao mắc bệnh thiếu máu như:

  • Chế độ dinh dưỡng không cung cấp đầy đủ các dưỡng chất như sắt, Vitamin B12, folate.
  • Mắc các triệu chứng của rối loạn đường ruột dẫn đến hấp thu kém chất dinh dưỡng trong ruột non và gây ra thiếu máu.
  • Phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt gây ra thiếu hồng cầu.
  • Phụ nữ trong quá trình mang thai thiếu sắt do phải dự trữ cho khối lượng máu tăng lên để cung cấp hemoglobin cho bào thai.
  • Có tiền sử mắc các bệnh lý như ung thư, suy thận, suy gan..
  • Trong gia đình trước đó từng có người mắc bệnh thiếu máu.
  • Người có tiền sử nhiễm trùng, nghiện rượu, rối loạn tự miễn, bệnh về máu… cũng gây ảnh hưởng đến việc sản xuất hồng cầu gây ra thiếu máu trên bệnh nhân.

Ngoài ra sẽ còn nhiều các nguyên nhân, yếu tố khác gây ra bệnh thiếu máu mà chưa được liệt kê ở trên. Bạn đọc có thể hỏi thêm ý kiến bác sĩ chuyên khoa để thêm nhiều thông tin giải đáp chi tiết.

thieu-mau
Khi bị thiếu máu người bệnh sẽ cảm thấy choáng váng, mệt mỏi

Dấu hiệu nhận biết bệnh thiếu máu

Khi ở giai đoạn đầu của tình trạng thiếu máu thì hầu hết người bệnh sẽ không nhận ra dấu hiệu nào rõ mà chỉ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc thực hiện xét nghiệm máu thì mới chẩn đoán được tình trạng bệnh.

Một số các dấu hiệu giúp nhận biết tình trạng thiếu máu như:

  • Da xanh xao, nhợt nhạt.
  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
  • Tâm trạng thay đổi thường xuyên gắt gỏng.
  • Có triệu chứng đau đầu.
  • Khó khăn trong việc tập trung làm việc, học tập.
  • Rối loạn nhịp tim, tức ngực, khó thở.
  • Móng tay dễ gãy, giòn.
  • Khi thay đổi tư thế đột ngột có thể bị choáng váng tạm thời.

Ngoài ra thì tùy thuộc vào nguyên nhân gây thiếu máu mà mỗi người sẽ có các triệu chứng của bệnh khác nhau:

  • Thiếu máu do hồng cầu hình liềm: có  triệu chứng chân tay sưng đau, mệt mỏi, da chuyển màu vàng…
  • Thiếu máu do tán huyết: có triệu chứng đau bụng, sốt, vàng da, nước tiểu có màu sẫm…
  • Thiếu máu do bất sản: tình trạng nhiễm trùng nhiều lần lặp lại, dẫn đến phát ban, sốt…
  • Thiếu máu do bị thiếu axit folic: có triệu chứng tiêu chảy, bề mặt lưỡi nhẵn bóng.

Vì các triệu chứng của bệnh thiếu máu sẽ rất dễ nhầm lẫn với những bệnh khác. Nên tốt nhất ngay khi có triệu chứng khác thường của cơ thể thì bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và được chẩn đoán bệnh chính xác.

Thiếu máu có gây nguy hiểm không?

Khi mắc tình trạng thiếu máu ở mức độ nhẹ thì người bệnh không cần quá lo lắng vì có thể cải thiện bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng như tăng cường bổ sung sắt và một số loại Vitamin.

Trường hợp thiếu máu do các bệnh lý thì cần điều trị tận gốc để hạn chế các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe có thể xảy ra.

Một vài các biến chứng do thiếu máu gây ra như:

  • Cơ thể người bệnh bị suy nhược nghiêm trọng: mệt mỏi và suy nhược, uể oải… do đó người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các sinh hoạt hàng ngày, công việc hoặc học tập.
  • Phụ nữ trong quá trình mang thai thiếu máu do thiếu folate dễ bị sinh non.
  • Mắc các vấn đề về tim như rối loạn nhịp tim, đặc biệt là nhịp tim nhanh bất thường gây nên tình trạng thiếu máu. Do để bù đắp vào lượng hồng cầu bị hao hụt khiến cho tim phải bơm nhiều máu hơn bình thường. Nếu kéo dài trong suốt một thời gian sẽ dẫn đến suy tim sung huyết.
  • Thiếu máu di truyền rất dễ bị biến chứng đe dọa đến tính mạng và nếu kéo dài sẽ làm mất một lượng máu lớn gây thiếu máu cấp tính và dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được can thiệp kịp thời.

Phương pháp điều trị bệnh thiếu máu

Khi nhận thấy người bệnh có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thiếu máu thì bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu như:

  • Xét nghiệm hồng cầu lưới.
  • Định lượng sắt huyết thanh.
  • Định lượng vitamin B12, axit folic và một số thành phần dưỡng chất khác trong máu
  • Sinh thiết tủy xương
  • Các xét nghiệm dùng trong chẩn đoán bệnh về tiêu hóa như loét dạ dày, polyp đại tràng lành tính, ung thư đại tràng…

Từ đó căn cứ vào mức độ thiếu máu của người bệnh mà sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp như:

  • Trường hợp bị thiếu máu bất sản: sử dụng thuốc kê toa hoặc truyền máu. Có những ca bệnh sẽ tiến hành ghép tủy xương… đây sẽ là các phương pháp điều trị phổ biến cho tình trạng bệnh này.
  • Trường hợp thiếu máu tán huyết tự miễn: người bệnh cần sử dụng thuốc uống để ức chế miễn dịch nhằm cải thiện nhanh chóng các triệu chứng của bệnh.
  • Trường hợp xuất huyết máu: Phẫu thuật để chữa lành mao mạch bị tổn thương, xuất huyết.
  • Thiếu máu do hồng cầu hình liềm: sử dụng thuốc giảm đau, bổ sung axit folic, dùng kháng sinh cách quãng hoặc liệu pháp oxy. Ngoài ra, hiện nay không ít bác sĩ đề xuất hydroxyurea và voxelator để đối phó với vấn đề này. 
  • Tan máu bẩm sinh: Hầu hết các trường hợp này sẽ không cần điều trị nhưng khi bệnh đã phát triển nghiêm trọng thì sẽ cần thực hiện phương pháp truyền máu, ghép tủy xương.
thieu-mau
Bổ sung những thực phẩm giàu sắt sẽ giúp cải thiện tình trạng thiếu máu

Ngoài ra ở tất cả các trường hợp thiếu máu do nguyên nhân gì thì giảng viên ngành Điều dưỡng chia sẻ cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cụ thể người bệnh nên ăn:

Sử dụng thực phẩm giàu sắt

Sắt là thành phần khá quan trọng trong quá trình hình thành hồng cầu và đảm nhiệm mang oxy đến các cơ quan, tế bào. Nên việc bổ sung chất sắt từ thực phẩm làm giảm khả năng thiếu máu, nuôi dưỡng tế bào tốt hơn.

Các loại hải sản có vỏ như hàu, sò trai, những loại thịt đỏ như heo, bò, và một số bộ phận như gan, óc, cật, tim của heo bò, đều chứa nhiều sắt. 

Nhóm thực phẩm giàu Vitamin B

Nhóm vitamin bao gồm vitamin B, B6, B9 (folate), B12… là một trong những thành phần cần thiết trong quá trình tạo hồng cầu và biệt hóa nguyên bào hồng cầu.

Vitamin này được tìm thấy tự nhiên trong thịt và các sản phẩm từ sữa. Nó cũng thêm vào một số loại ngũ cốc và các sản phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành.

Thực phẩm giàu Vitamin C

Ăn thực phẩm giàu Vitamin C sẽ rất tốt cho sức khỏe giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng, viêm, chống ung thư, đặc biệt giúp cải thiện tình trạng bệnh thiếu máu.

Thực phẩm có chứa vitamin C – chẳng hạn như trái cây họ cam quýt, dưa hấu và quả mọng – sẽ giúp bạn tăng hấp thu sắt.

Hy vọng những thông tin về bệnh thiếu máu ở trên sẽ giúp ích nhiều cho bạn đọc và từ đó có thể xây dựng được chế độ dinh dưỡng bổ sung đầy đủ chất sắt, vitamin B6, B9, B12… có thể phòng ngừa được căn bệnh này. Tuy nhiên những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo nên không có tác dụng thay thế các chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.