Nguyên nhân gây ra u nang ống mật chủ
U nang ống mật chủ là tình trạng dị dạng bẩm sinh của đường mật và khi ống mật chủ giãn lớn hơn 1cm.
U nang ống mật chủ bẩm sinh chiếm chủ yếu trong nhóm bệnh lý u nang đường mật trong và ngoài gan nên được lấy làm tên gọi cho nhóm bệnh lý phức tạp này.
Bệnh u nang ống mật chủ là bệnh lý bẩm sinh, do các dị dạng của đường mật hình thành ngay từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ. Hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh.
Bên cạnh đó thì tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh u nang ống mật chủ bẩm sinh là một trong những yếu tố gây ra bệnh này.
Ngoài ra bệnh sẽ còn có các nguyên nhân và yếu tố khác gây ra bệnh u nang ống mật chủ mà chưa liệt kê ở trên. Nếu bạn đọc có thắc mắc hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để giải đáp chi tiết.
Các triệu chứng để nhận biết bệnh u nang ống mật chủ
Một số các triệu chứng để nhận biết bệnh u nang ống mật chủ ở trẻ em như:
- Vàng da, vàng mắt: triệu chứng này sẽ dễ nhận thấy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mức độ vàng da sẽ phụ thuộc vào thể trạng sức khỏe và diễn biến bệnh của tùy từng người bệnh.
- Đau bụng: thường gặp ở trẻ lớn hơn, ít gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đau bụng và vàng da là hai triệu chứng cổ điển của u nang ống mật chủ. Đau bụng có thể tái diễn nhiều lần.
- Nếu có biến chứng nhiễm trùng đường mật người bệnh sẽ dễ bị sốt, viêm phúc mạc mật.
- Xuất hiện khối u ở bụng.
U nang ống mật chủ có nguy hiểm không?
U nang ống mật chủ xảy ra ở trẻ em thường không có dấu hiệu đặc trưng nên bố mẹ dễ bị nhầm lẫn. Khi đó bệnh diễn biến phức tạp và có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như: viêm đường mật, tắc mật, sỏi mật, viêm tụy lâu ngày có thể dẫn đến xơ gan, ung thư đường mật. Có tới 30% người lớn sẽ gặp phải các biến chứng dài hạn như Xơ gan, tăng áp lực hệ tĩnh mạch. Ung thư đường mật là biến chứng nguy hiểm nhất, thường gặp với tỷ lệ khoảng 9 – 28%.
Bệnh u nang ống mật chủ được chia thành 5 loại căn cứ vào hình dáng, vị trí của các nang, cụ thể bao gồm:
- Type 1: chiếm khoảng 80 -–90% các trường hợp mắc u nang ống mật. Nang có dạng túi hoặc hình thoi, xuất hiện ở ống mật chủ.
- Type 2: đây là các nang có dạng túi thừa có cuống, nhô ra từ thành ống mật chủ và nối thông với ống mật chủ thông qua một ống nhỏ.
- Type 3: Nang xuất phát từ phần thấp của ống mật chủ.
- Type 4: Nang hỗn hợp này với nhiều hình dạng khác nhau với tình trạng giãn lớn của hệ thống đường mật trong và ngoài gan.
- Type 5: các nang chỉ xuất hiện ở hệ đường mật trong gan.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh U nang ống mật chủ
Khi nhận thấy người bệnh có các triệu chứng bất thường như vàng da, đau bụng thì sẽ được chỉ định thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán như:
- Siêu âm bụng: từ đó có hình ảnh để đánh giá những hình thái hệ đường mật trong và ngoài gan, đồng thời xem có tổn thương nhu mô gan.
- Chụp cộng hưởng từ: Kỹ thuật chẩn đoán hiện đại giúp có hình ảnh đường mật chính xác hơn kỹ thuật siêu âm.
- Các xét nghiệm máu: đánh giá chức năng gan
Các biện pháp điều trị bệnh U nang ống mật chủ
U nang ống mật chủ sẽ thường được bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Mục đích của phẫu thuật là cắt bỏ đi toàn bộ ống mật chủ bị giãn lớn và túi mật, tiếp đến tái lập tuần hoàn mật ruột bằng cách khâu nối ống gan còn lại với ruột non, tá tràng. Sau khi phẫu thuật dịch mật vẫn sẽ tiếp tục thực hiện vai trò tiêu hóa thức ăn.
Đối với trẻ trước đó đã có chẩn đoán trước sinh và chưa có triệu chứng thì sẽ được chỉ định phẫu thuật khi trẻ trên 3 tháng tuổi. Còn những trẻ xuất hiện các dấu hiệu của vàng da, vàng mắt thì nên được can thiệp sớm từ khoảng 1 - 2 tháng tuổi. Trường hợp trẻ nhập viện với các biến chứng như viêm phúc mạc, viêm đường mật.. thì trước tiên cần ổn định lại tổng trạng bằng cách dùng thuốc sau đó mới tiến hành phẫu thuật để giải quyết nguyên nhân.
Hiện nay có hai phương pháp phẫu thuật chính là mổ mở và phẫu thuật nội soi.
Mổ mở
Phương pháp phẫu thuật truyền thống, tuy nhiên phương pháp này sẽ để lại rất nhiều các biến chứng cho người bệnh như bị tổn thương cơ, thời gian hồi phục kéo dài, phẫu thuật để lại sẹo, đau...
Phẫu thuật nội soi u nang ống mật chủ
Phương pháp phẫu thuật này được chỉ định sử dụng phổ biến vì mang lại hiệu quả cao, đồng thời khắc phục được những hạn chế của phương pháp mổ hở, gây đau ít, rút ngắn thời gian hồi phục, hạn chế tổn thương thành bụng, vết thương nhanh lành và sẽ không để lại sẹo xấu như mổ hở.
Phẫu thuật nội soi sẽ tiến hành bằng cách: Bác sĩ sẽ mở một đường vào nhỏ, ngắn hơn 2cm để có thể đưa dụng cụ phẫu thuật vào. So với những phương pháp nội soi thông thường cần 4 đường vào riêng biệt thì phẫu thuật nội soi này sẽ ít xâm lấn hơn hẳn. Phẫu thuật nội soi này cần phải được thực hiện từ bác sĩ lành nghề, thông thạo sử dụng các dụng cụ phẫu thuật nội soi bởi phương pháp này khó thực hiện vì các dụng cụ cần phải đưa tất cả qua một đường.
Trong quá trình nằm viện, trẻ phải nhịn ăn và cần được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch trong vài ngày đầu. Một ống thông từ ổ bụng được đặt để thoát dịch ra ngoài. Trẻ còn được đặt ống thông mũi dạ dày để dịch và hỏi từ trong dạ dày thoát ra ngoài. Sau mổ, trẻ thường nằm viện từ 5-7 ngày.
Kỹ thuật Lilly: Kỹ thuật này sẽ giúp loại bỏ toàn bộ niêm mạc u nang và chỉ để lại vỏ xơ nang khi không tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u nang dính vào hệ thống tĩnh mạch cửa. Tuy nhiên phương pháp này sẽ giúp giảm thiểu tỷ lệ biến chứng ung thư hóa đường mật.
Một số biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật:
- Nhiễm trùng đường mật
- Chảy máu
- Biến chứng tại miệng nối như hẹp, bục, rò mật qua miệng nối.
Sau khi phẫu thuật được khoảng từ 1 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc ngay khi nhận thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường như vàng da, sốt, đau bụng, nôn mửa...
Với những trường hợp nang đường mật xuất hiện ở cả 2 thùy, bệnh nhân đã có các biến chứng như xơ gan mật, suy gan hoặc tăng áp lực tĩnh mạch cửa có thể có chỉ định ghép gan.
Hy vọng những thông tin trên đây về bệnh u nang ống mật chủ đã giúp cho bạn đọc có thêm nhiều kiến thức y khoa hữu ích. Tuy nhiên những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không có tác dụng thay thế chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.