Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Giun móc lây truyền qua đường nào? Có dấu hiệu nào để nhận biết nhiễm giun móc?

Cập nhật: 22/12/2020 11:37 | Trần Thị Mai

Giun móc nếu không được điều trị sớm thì sẽ gây ra các ảnh hưởng đến sức khỏe như thiếu máu, viêm da, viêm loét hành tá tràng… vậy có những dấu hiệu nào để phát hiện bệnh thì các bạn hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để giải đáp cho thắc mắc ở trên nhé!    

Giun móc lây truyền qua đường nào? Có dấu hiệu nào để nhận biết nhiễm giun móc?

Giun móc là gì? Nguyên nhân điều trị giun móc

Giun móc hay còn gọi là giun mỏ thường sống ký sinh trong cơ thể. Ấu trùng và những con giun trưởng thành sẽ sống trong ruột của người hoặc động vật bị nhiễm bệnh.

Nguyên nhân chính gây ra bệnh giun móc chính là loại Anclostoma duodenale và Necator americanus. 

Giun móc thường gây lây nhiễm ở các vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt, những nơi có điều kiện vệ sinh kém. Khi đối tượng nhiễm bệnh đi ngoài hoặc dùng phân của họ là phân bón thì trứng giun sẽ bám vào đất. Từ đó trưởng thành nở ra ấu trùng và xâm nhập trở lại da người.

Có những trường hợp người đi chân đất trên những khu đất này cũng có thể bị nhiễm  giun móc vì những ấu trùng này rất nhỏ nên sẽ không thể nhìn bằng mắt thường. Khi vào cơ thể người giun móc sẽ theo vòng tuần hoàn đến phổi và cổ họng sau đó  đi vào ruột.

Nhóm đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh giun móc như:

  • Những người sinh sống trong môi trường không hợp vệ sinh có khuẩn ấu trùng giun tóc đặc biệt ở khu vực nông thôn làm nghề trồng trọt và dùng phân sống bón ruộng.
  • Sử dụng các loại thực phẩm có chứa loại ấu trùng giun móc như rau sống chưa được rửa sạch.
  • Trẻ em dễ nhiễm giun móc hơn người trưởng thành.

Công nhân thường xuyên làm việc ở hầm mỏ, khoáng, bên cạnh đó có một số nghề nghiệp dễ bị nhiễm giun móc như trồng cao su, cà phê, sử dụng nhà vệ sinh không hợp vệ sinh…

Các phương thức lây truyền của giun móc

  • Giun xâm nhập vào cơ thể người do ấu trùng giun phát triển ở ngoại cảnh tới giai đoạn III.
  • Lây nhiễm giun qua đường ăn uống. Trong con đường lây nhiễm này ấu trùng giun sẽ không di chuyển qua phổi mà sẽ ký sinh trực tiếp ở ruột non của người bệnh. Nhưng vẫn có những trường hợp ấu trùng giun ngừng phát triển của chúng tiềm tàng ở trong tổ chức nào đó và kéo dài trong khoảng 8 tháng để trở thành giun trưởng thành. Được biết thời gian hoàn thành chu kỳ từ khi ấu trùng xâm nhập vào cơ thể người đến khi phát triển thành giun trưởng thành mất thời gian từ 42 – 45 ngày.
  • Thời kỳ lây truyền chính của giun móc là vào khoảng thời gian sống của giun cái trưởng thành từ khi thụ tinh và đẻ trừng. Trung bình một con giun móc cái có thể đẻ từ 10.000 – 25.000 trứng/ ngày. Giun mỏ cái có thể đẻ từ 5000 – 10.000 trứng/ ngày. Vòng đời của giun móc có thể kéo dài từ 4 – 5  năm nếu không được điều trị đúng cách.

Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác gây ra bệnh giun móc mà chưa được liệt kê ở trên. Nếu bạn đọc thắc mắc hãy hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để có thêm nhiều thông tin giải đáp.

Triệu chứng nhận biết nhiễm bệnh giun móc

Khi còn là ấu trùng giun móc sẽ gây ra các bệnh ở da, phổi và khi trưởng thành thì giun móc sẽ gây bệnh ở ruột. Tùy vào giai đoạn mắc bệnh mà tình trạng nhiễm giun móc có các triệu chứng nhận biết bệnh khác nhau.

Giai đoạn ấu trùng xuyên qua da

Gây ra triệu chứng viêm da khi các ấu trùng xâm nhập qua da và dẫn đến một số biểu hiện như ngứa, xuất hiện các nốt đỏ.

Tuy nhiên những nốt đỏ có thể biến mất sau đó từ 1  - 2 ngày. Đối với những trường hợp bội nhiễm vi khuẩn sẽ dẫn đến tình trạng lở loét trên da và kéo dài trong khoảng thời gian từ 1 – 2 tuần.

giun-moc
Giun móc giai đoạn ấu trùng xuyên qua da

Giai đoạn giun móc ký sinh tại ruột

Thường sẽ không có các triệu chứng đặc trưng mà chỉ nhận thấy tình trạng thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc kèm theo dấu hiệu mệt mỏi, đánh trống ngực, ù tai,  hoa mắt, chóng mặt, khó thở, da xanh, mạch nhanh, huyết áp hạ, thân thể bị phù nhẹ…

Thường đối tượng phụ nữ ở nông thôn sẽ có triệu chứng thiếu máu nặng nên dễ dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt, đẻ non hoặc thậm chí là vô sinh.

Giun móc có thể gây ra tình trạng viêm loét hành tá tràng nên người bệnh cần lưu ý theo dõi tình trạng sức khỏe.

Ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai, người bị suy dinh dưỡng thì giun móc sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn như thiếu hụt protein, da, phổi, ruột non, suy tim, rối loạn nhịp tim…

Do đó người bệnh khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần đến phòng khám chuyên khoa để được thăm khám và điều trị đúng cách đồng thời ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Cơ địa và tình trạng bệnh lý của mỗi người không giống nhau nên các triệu chứng nhận biết cũng khác, tuy nhiên cần ngay lập tức tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa hoặc đến bệnh viện ngay khi có các triệu chứng như:

  • Vùng da bị ấu trùng xâm nhập bị sưng tấy, viêm, rát, đỏ.
  • Cơ thể người bệnh bị sốt, khó thở hoặc đau thắt ngực.

Điều trị bệnh nhiễm giun móc

Việc điều trị của bệnh nhiễm giun móc sẽ giúp chữa khỏi viêm nhiễm, ngăn ngừa các biến chứng và đồng thời cải thiện chất dinh dưỡng.

Trước khi đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh  bác sĩ cần thực hiện chẩn đoán bệnh kết hợp với các biểu hiện lâm sàng, căn cứ vào yếu tố dịch tễ, chẩn đoán hình ảnh chụp X-quang ngực xem có viêm phổi hay không, đặc biệt là xét nghiệm phân để tìm ra trứng giun. Phân bắt buộc phải được xét nghiệm trước 24 giờ sau khi lấy để tránh tình trạng trứng giun có trong phân sẽ nở thành ấu trùng khi đó rất khó phân biệt được ấu trùng giun lươn.

Việc dùng thuốc sẽ là biện pháp điều trị nhiễm giun móc phổ biến nhất, cụ thể như:

  • Sử dụng thuốc albendazole 400mg hoặc mebendazole 500mg, tất cả chỉ dùng một liều duy nhất. Tuy nhiên những loại thuốc này cần thận trọng sử dụng với những người suy gan, suy thận. Chống chỉ định sử dụng cho nhóm đối tượng phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc nuôi con bằng sữa mẹ vì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi và trẻ nhỏ.
  • Đối với những trường hợp nhiễm giun móc nghiêm trọng cần sử dụng thuốc với liều tương ứng như albendazole 400mg/ ngày x 3 ngày hoặc Mebendazole (vermox, fugaca,...) liều 500mg/ ngày x 3 ngày hoặc Pyrantel pamoate (combantrin, embovin, helmex,...) liều 10 mg/kg/ngày x 3 ngày.
  • Trường hợp có các triệu chứng thiếu máu thì người bệnh cần bổ sung thêm sắt.

Ngoài ra trong quá trình điều trị người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của y bác sĩ cả về liều lượng và thời gian điều trị. Tuyệt đối không được tự ý ngừng việc dùng thuốc vì có thể khiến bệnh tái phát.

Tái khám đúng hẹn để kiểm soát tốt tình trạng bệnh để có hướng điều trị an toàn và hiệu quả.

giun-moc
Rửa tay sạch sẽ để hạn chế các ấu trùng giun móc xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống

Phòng ngừa bệnh giun móc

Thực hiện các phương pháp dưới đây sẽ giúp phòng ngừa tốt tình trạng nhiễm giun móc:

  • Tiến hành tuyên truyền giáo dục đến cộng đồng nhằm nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân, môi trường sống để đẩy lùi tình trạng nhiễm ấu trùng từ phân của người bệnh.
  • Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống gần nhà, trong nhà, khu vui chơi cho trẻ em.
  • Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tuyệt đối không nên ăn rau sống khi chưa được rửa sạch hoặc ngâm nước muối pha loãng. Không dùng phân tươi bón ruộng, vườn, không đi chân đất.
  • Khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm giun móc ít nhất 1 lần/ năm để phát hiện sớm bệnh có có cách điều trị kịp thời.
  • Tẩy giun 2 lần/ năm, khoảng cách giữa các lần tẩy giun là từ 4 – 6 tháng.
  • Phát động các chiến dịch dọn vệ sinh trong cộng đồng dân cư, xây dựng hệ thống cống rãnh, xử lý nước thải.
  • Người lao động nên đi ủng, găng tay khi tiếp xúc với mầm bệnh dễ có ấu trùng ví dụ như những người làm nghề nông,…
  • Đối với trẻ em cần quan tâm vì ở lứa tuổi này chúng hay lê la bò chơi trên sàn nhà rồi lại mút tay. Và vấn đề gia súc, ruồi đều là nguồn đưa trứng giun vào thức ăn của người.

Bài viết ở trên được giảng viên khoa Dược Cao đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ thông tin về tình trạng Giun móc, chắc hẳn bạn đọc đã hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu, phương pháp điều trị của bệnh. Tuy nhiên những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo nên nếu người bệnh có thắc mắc hãy hỏi trực tiếp bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp cụ thể, chính xác.

Xem thêm: